ruộng đất bị chia nhỏ đến một mức nào đó thì không thể chia nhỏ hơn nữa, và khi ruộng đất
chỉ thuộc quyền của một thành viên trong gia đình thì các thành viên khác buộc phải biến
thành những người vô sản, thành công nhân tay không. Sự chia nhỏ ruộng đất ấy thường cứ
tiếp diễn mãi cho tới khi mảnh đất ấy nhỏ đến mức không thể nuôi sống một gia đình; như
vậy là tạo ra một giai cấp người giống như giai cấp tiểu tư sản thành thị, hình thành một bước
quá độ từ giai cấp có của đến giai cấp không có của; mảnh đất không cho những người ấy
kiếm được việc làm khác nhưng đồng thời cũng không đảm bảo được cuộc sống của anh ta.
Sự nghèo nàn cực độ cũng ngự trị trong giai cấp này.
Giai cấp vô sản ấy tất nhiên phải thường xuyên tăng thêm số
lượng,- về vấn đề này chúng ta có thể rút ra từ sự bần cùng hoá không ngừng của giai cấp
tiểu tư sản mà tôi đã nói kỹ trong tuần trước, và từ xu thế tập trung tư bản vào tay một số ít
người. Có lẽ hôm nay tôi không quay lại những vấn đề ấy mà chỉ nêu lên những nguyên nhân
thường xuyên làm nảy sinh ra giai cấp vô sản và mở rộng hàng ngũ của nó, những nguyên
nhân vẫn có tác dụng và sẽ dẫn tới những hậu quả giống như thế chừng nào mà cạnh tranh
còn tồn tại. Dù sao chăng nữa, giai cấp vô sản không những sẽ tồn tại mà còn không ngừng
phát triển về số lượng và trở thành một lực lượng đáng sợ nhất trong xã hội hiện nay, chừng
nào chúng ta còn sản xuất đơn độc và tự đối lập với tất cả những người khác. Nhưng sẽ đến
lúc giai cấp vô sản tăng cường sức mạnh và sự giác ngộ của mình đến mức không muốn tiếp
tục chịu mãi cái gánh nặng của toàn bộ toà nhà xã hội đang thường xuyên đè trĩu trên vai nó,
sẽ đến lúc nó đòi phân chia công bằng hơn nữa những gánh nặng và quyền lợi xã hội; và bây
giờ,- nếu như bản tính con người vẫn chưa thay đổi,- cách mạng xã hội sẽ là điều không tránh
khỏi.
Vấn đề này, các nhà kinh tế học của chúng ta, cho tới nay, vẫn chưa hề nghiên cứu. Họ
không quan tâm đến việc sáng tạo rá của cải quốc dân. Nhưng chúng ta tạm thời không bàn
đến luận điểm mà chúng ta vừa đưa ra là cách mạng xã hội không tránh khỏi phát sinh từ bản
thân cạnh tranh; giờ đây chúng ta hãy nghiên cứu những hình thức biểu hiện của cạnh tranh,
các con đường kinh tế mà nước Đức có thể đi và xét xem chúng sẽ dẫn đến những hậu quả gì.
Nước Đức, hoặc nói đúng hơn là Đồng minh thuế quan Đức, hiện đang thi hành chế độ
thuế quan juste-milieu
1*
. Thuế quan
của chúng ta quá thấp đối với thuế quan bảo hộ thực sự và quá cao đối với tự do mậu dịch.
Do đó có ba khả năng: hoặc là chúng ta thực hiện mậu dịch tự do hoàn toàn, hoặc là chúng ta
bảo vệ nền công nghiệp của mình bằng thuế quan cao, hoặc là chúng ta giữ nguyên chế độ
hiện nay. Chúng ta sẽ nghiên cứu từng trường hợp.
Nếu chúng ta tuyên bố mậu dịch tự do và xoá bỏ thuế quan của chúng ta thì toàn bộ nền
công nghiệp của chúng ta, trừ một số ít ngành, sẽ sụp đổ. Bấy giờ thì đừng bàn gì đến công
việc sản xuất sợi bông, đến dệt may, đến phần lớn các ngành thuộc công nghiệp dệt bông và
dệt len, các ngành chủ yếu trong công nghiệp dệt tơ, hầu hết công nghiệp khai quặng sắt và
chế tạo sắt. Công nhân làm việc ở tất cả các ngành công nghiệp ấy sẽ đột nhiên thất nghiệp,