Nhưng đột nhiên cách mạng Pháp như một tiếng sét đánh vào cái mớ hỗn độn được gọi là
nước Đức ấy. Ảnh hưởng của nó hết sức to lớn. Nhân dân, rất ít có văn hoá và quá quen chịu
đựng lâu dài sự bạo tàn, vẫn thờ ơ. Nhưng toàn bộ giai cấp tư sản và những đại biểu ưu tú
của giới quý tộc đã đồng thanh hoan hô Quốc hội và nhân dân Pháp. Trong vô số các nhà thơ
Đức, không có ai là không ca ngợi nhân dân Pháp. Nhưng đấy là một thứ nhiệt tình theo lối
Đức, nó mang tính chất siêu hình thuần tuý và chỉ bày tỏ với lý luận của các nhà cách mạng
Pháp. Nhưng một khi lý luận đã bị sức mạnh của thực tế không thể bác bỏ
được đẩy xuống hàng thứ yếu, một khi sự hoà hợp giữa triều đình Pháp và nhân dân Pháp
không thể thực hiện được trên thực tiễn, dù cho sự liên hợp của họ trên lý luận đã được xác
định trong hiến pháp có tính chất lý luận của năm 1791, một khi nhân dân Pháp đã thực tế
xác lập chủ quyền của mình bằng sự kiện "ngày 10 tháng Tám"
150
và nhất là khi lý luận đã
bị sự diệt vong của phái Gi-rông-đanh ngày 31 tháng Năm 1793 làm cho câm tịt, thì cái nhiệt
tình ấy của nước Đức biến ngay thành sự căm ghét điên cuồng đối với cách mạng. Đương
nhiên, nhiệt tình ấy chỉ biểu lộ đối với những sự kiện như đêm mồng 4 tháng Tám 1789, khi
giới quý tộc từ bỏ đặc quyền của nó; nhưng những người Đức lương thệin chưa bao giờ nghĩ
rằng những hành động ấy, trên thực tế, có hậu quả hoàn toàn khác hẳn với những kết luận mà
các nhà lý luận hảo tâm có thể rút ra được. Người Đức chưa bao giờ nghĩ rằng mình đã ca
ngợi những hậu quả mà như mọi người đều biết rõ, chính là những hậu quả khá nghiêm trọng
và khá phiền phức đối với nhiều người dính líu đến chúng. Cho nên tất cả những bạn bè ban
đầu hân hoan chào mừng cách mạng thì giờ đây đã trở thành kẻ thù điên cuồng nhất của cách
mạng, và sau khi nhận được qua báo chí xu nịnh của người Đức những tin tức đương nhiên là
hoàn toàn xuyên tạc về Pa-ri thì họ ưa chuộng cái đống phân La Mã thần thánh yên ổn lâu
đời của mình hơn là hành động khủng khiếp của nhân dân dám phá bỏ xiềng xích nô lệ và
thách thức tất cả mọi bọn bạo chúa, quý tộc và thầy tu.
Nhưng những ngày tàn của Đế quốc La Mã thần thánh đã tới. Quân đội cách mạng Pháp
đã tiến sâu vào lòng nước Đức, kéo dài biên giới Pháp đến tận sông Ranh và truyền bá tự do
và bình đẳng ở khắp nơi. Họ đã tống cổ bè lũ quý tộc, giáo chủ và cha cố trường dòng và tất
cả bọn vương hầu nhỏ chỉ đóng vai bù nhìn suốt cả một thời kỳ dài dằng dặc trong lịch sử.
Quân đội cách mạng, ở Pháp, đã quét sạch đất đai giống như những di dân tiến
vào các khu rừng nguyên thuỷ ở biên giới miền Cực Tây nước Mỹ; rừng nguyên thuỷ của xã
hội "Cơ Đốc Đức" đã tiêu tan trong cuộc tiến quân thắng lợi của quân đội cách mạng Pháp
giống như sương mù khi mặt trời mọc. Và khi Na-pô-lê-ông cương nghị nắm lấy sự nghiệp
cách mạng trong tay, khi ông nhập cục cách mạng với bản thân - chính cuộc cách mạng và
sau ngày 9 tháng Sương mù 1794 bị giai cấp tư sản tham lam bóp chết, - khi ông (nền dân
chủ "của một người" như một nhà văn Pháp đã gọi ông) hết lần này đến lần khác đưa quân
sang Đức thì xã hội "Cơ Đốc Đức" rút cục đã bị tiêu diệt. Đối với nước Đức, Na-pô-lê-ông
không phải là một bạo chúa ngang ngược như những kẻ thù của ông đã khẳng định. Ở Đức,
Na-pô-lê-ông là đại biểu cho cách mạng, ông truyền bá những nguyên lý cách mạng, phá huỷ