Đương nhiên là nhà triết học tư biện, sở dĩ có thể hoàn thành sự sáng tạo không dứt đoạn
đó, chỉ là vì ông ta đã đem những thuộc tính của quả táo, của quả lê, v.v., mà ai cũng biết,
cũng thấy rõ trong thực tế, làm thành những quy định do mình phát hiện ra bằng cách gắn
những tên gọi của sự vật hiện thực cho cái mà chỉ có lý trí trừu tượng mới có thể sáng tạo ra,
nghĩa là cho những công thức trừu tượng của lý trí và cuối cùng bằng cách tuyên bố rằng
hoạt động của chính mình, - hoạt động biểu hiện ở chỗ bản thân ông ta chuyển từ quan niệm
táo sang quan niệm lê, - là sự tự hoạt động của chủ thể tuyệt đối, tức là của "quả nói chung".
Nói theo ngôn ngữ tư biện thì cái cách đó là: hiểu thực thể là chủ thể, là quá trình bên
trong, là nhân cách tuyệt đối. Cách hiểu đó là đặc trưng chủ yếu của phương pháp Hê-ghen.
Cần phải có những nhận xét đầu tiên như thế mới làm cho người ta có thể hiểu được ông
Sê-li-ga. Nếu cho đến nay, ông Sê-li-ga vẫn xây dựng những quan hệ hiện thực, chẳng hạn
như văn minh và pháp lý, thành phạm trù bí mật, và như thế là ông đã biến "b í m ậ t" thành
thực thể thì bây giờ, lần đầu tiên, ông mới vươn tới được cái đỉnh tư biện thật sự, đến cái
đỉnh Hê-ghen, và biến "b í m ậ t" thành một chủ thể độc lập, thể hiện ra trong những quan hệ
và những người hiện thực, do đó những bá tước phu nhân, những hầu tước phu nhân, những
cô gái lãng mạn, những người gác cổng, những viên quản lý văn khế, những thầy lang vườn,
những tình sử, những cuộc khiêu vũ, những cửa gỗ v.v., là những
biểu hiện sống của chủ thể đó. Lúc đầu xuất phát từ thế giới hiện thực mà tạo ra phạm trù "b í
m ậ t", giờ đây ông ta xuất phát từ phạm trù ấy mà tạo ra thế giới hiện thực.
Trong sự trình bày của ông Sê-li-ga, những bí mật của kết cấu tư biện biểu lộ một cách hết
sức hiển nhiên không sao chối cãi được, khiến ông có hai ưu điểm mà Hê-ghen không có.
Một là, đứng trước quá trình nhờ đó nhà triết học chuyển từ vật thể này qua vật thể khác bằng
cách lợi dụng trực qua cảm tính và biểu tượng thì Hê-ghen, với một lối nguỵ biện khéo léo,
đã trình bày quá trình đó thành một quá trình do bản thân bản chất lý trí tưởng tượng, do chủ
thể tuyệt đối hoàn thành. Hai là, thường thường trong sự trình bày tư biện của ông, Hê-ghen
lại có một sự trình bày hiện thực nắm được bản thân sự vật. Sự phát triển hiện thực đó trong
lòng sự phát triển tư biện của khái niệm làm cho người đọc coi sự phát triển tư biện là sự
phát triển hiện thực, và sự phát triển hiện thực là sự phát triển tư biện.
Ở ông Sê-li-ga thì không có cả hai khó khăn đó. Phép biện chứng của ông hoàn toàn không
có sự giả đối và giả tạo. Ông biểu diễn kỹ xảo của ông một cách thành thực đáng khen và
một cách thẳng thắn ngây thơ nhất. Và không ở đâu, ông phát triển nội dung hiện thực cả,
đến nỗi kết cấu tư biện của ông hoàn toàn không có những điều thêm thắt gây trở ngại, nó
hiện ra trước mắt chúng tá không có bất cứ bề ngoài lập lờ nước đôi nào cả, trong toàn bộ vẻ
đẹp trần truồng của nó. Ngoài ra bằng ví dụ của mình, ông Sê-li-ga chứng minh một cách hết
sức xuất sắc rằng phép tư biện một mặt hình như tự do sáng tạo a priori ra đối tượng của
mình từ bản thân mình như thế nào, và mặt khác muốn dùng nguỵ biện để thoát khỏi sự phụ
thuộc hợp lý và tự nhiên vào đối tượng, phép tư biện lại rơi như thế nào vào tình trạng tuỳ