vũ khí Đức". Hội đồng quốc phòng quyết định cho Ủy ban đặc biệt của Bộ
Nội vụ được quyền quy định mức hình phạt cho các tội, kể cả tử hình.
Trong cơn lốc ấy công bằng mà nói, Merculov không phải là kẻ tệ nhất.
Ông nhã nhặn, nói năng từ tốn, không quát tháo, và cố gắng làm theo lương
tri nếu điều đó không đi ngược lại bổn phận công tác của ông. Beria sai cấp
dưới tự tay đánh đập tù nhân. Chỉ có một mình Merculov không chịu làm.
Beria cười giễu: trí thức có khác?
Merculov là người mà với ông còn có thể trình bày, thuyết phục được.
Khi nhà vật lý Lev Davidovich Landao bị bắt, Viện sĩ Piotr Kapitsa chạy
đến Merculov xin cho Landao. Merculov đưa cho viện sĩ xem hồ sơ điều
tra, trong đó Landao bị buộc đủ thứ tội chống chế độ.
Kapitsa nói với Merculov:
- Tôi xin cam đoan với đồng chí rằng Landao không phải là người chống
chế độ, anh ấy sẽ không bao giờ tham gia hoạt động phản cách mạng.
- Landao là nhà vật lý giỏi lắm có phải không? - Merculov hỏi.
- Một nhà bác học thiên tài, tầm cỡ quốc tế - Kapitsa đáp.
Landao được tha. Sau này ông trở thành viện sĩ, được giải thưởng Nobel.
Tháng hai năm 1941, khi Bộ Nội vụ được chia thành hai bộ, Merculov
được cử làm Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia, phụ trách tình báo, phản gián,
công tác chính trị - mật vụ và điều tra. Beria làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, phụ
trách công an, cứu hoả, biên phòng, hệ thống nhà tù và trại cải tạo và công
nghiệp.
Nửa năm sau khi chiến tranh nổ ra, hai bộ lại nhập làm một. Beria lại
làm Bộ trưởng, Merculov lại làm Phó thứ nhất của Beria. Tháng hai năm
1943, ông được phong hàm Chính ủy An ninh quốc gia hạng nhất (tương
đương Đại tướng quân đội).
Tháng tư năm 1943, Bộ nội vụ lại tách ra. Và Merculov lại lãnh đạo Bộ
An ninh quốc gia.
"MƯỜI BẢY KHOẢNH KHẮC CỦA MÙA XUÂN"
Việc Stirlits - sĩ quan tình báo Liên Xô hoạt động trong bộ máy an ninh
Đức - là người của Merculov có thể chỉ là một huyền thoại, một sự tích ly