Thượng tướng V.Nikolski thời gian ngay trước chiến tranh làm ở Cục
tình báo quân đội kể: "Chúng tôi nắm được kế hoạch hoạt động của các
nước châu Âu rõ hơn là ý định của chính phủ nước mình. Việc ký hiệp ước
với Đức, việc quân đội Liên Xô tiến vào lãnh thổ Ba Lan là những điều
hoàn toàn bất ngờ đối với tình báo Liên Xô.
Khi Hồng quân tiến vào chiếm các vùng phía Đông Ba Lan, chúng tôi đã
không kịp chuyển các cơ sở và mạng lưới sang phía tây, và các điệp viên
của chúng tôi đã bị bắt làm tù binh của Liên Xô.
Cuộc rút lui trong năm đầu của chiến tranh cũng đã buộc phải bỏ các
điểm trinh sát, bị mất cán bộ. Trang thiết bị của tình báo cũng rất nghèo
nàn: không có các trạm điện đài, vũ khí tự động và dù, cho các đơn vị biệt
động, trinh sát. Trong những tháng đầu chiến tranh, các chiến sĩ được cử
vào vùng địch hậu chỉ có súng lục, vì không có tiểu liên.
Tôi hỏi tướng Nikolski đánh giá thế nào về hoạt động của quân báo trong
giai đoạn đầu chiến tranh, và những tin tức tình báo thu được có đáng với
hy sinh tổn thất to lớn phải bỏ ra không?
- Đáng chứ. - Thượng tướng Nikolski trả lời - Nếu không thế, chúng ta
không thể chiến đấu được. Đôi khi cái giá để đạt được mục đích lớn kinh
khủng, nhưng chiến dịch bảo vệ Matxcơva không có trinh sát, tình báo thì
không thể thắng được. Trong khi đó, lãnh đạo liên tục cải tổ cơ cấu các cơ
quan an ninh: Bộ Nội vụ khi thì chia làm hai, khi nhập làm một, quân báo
khi thì thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng, khi thì của Bộ Nội vụ, khi lại
Bộ Quốc phòng.
Năm 1942, có lệnh cải tổ quân báo, bởi cho rằng có nhiều kẻ hoạt động
"hai mặt" trà trộn vào, do đó các cán bộ quân báo bị chuyển hết về Bộ An
ninh quốc gia, còn các chiến sĩ trinh sát cấp thấp thì đưa về bổ sung cho các
đơn vị. Sau này, theo đề nghị liên tục của các chỉ huy các phương diện
quân, mới khôi phục đơn vị trinh sát và thành lập Cục trinh sát trong Bộ
Tổng tham mưu. Nhưng hậu quả của đòn đánh vào quân báo năm 1942 vẫn
còn tác động lâu. Nhiều cán bộ và chiến sĩ trinh sát có kinh nghiệm và
chuyên môn đã hy sinh trong chiến đấu.