Menjinski sinh ngày 19/8/1874 ở Peterburg trong một gia đình quý tộc.
Cha ông là giảng viên sử học ở trường Ca-det
Peterburg. Menjinski tốt
nghiệp phổ thông xuất sắc được nhận huy chương vàng, rồi vào học khoa
luật Đại học tổng hợp Peterburg, ra trường làm nghề luật sư.
Ông tham gia Đảng Xã hội - Dân chủ sớm - từ năm 1902, nhưng khác
với Dzerjinski, ông luôn cố gắng không vi phạm pháp luật. Ông dạy học ở
các khoá học bổ túc ban tối cho công nhân, cộng tác với tờ báo Bônsêvich
"Trại lính" trong thời gian cuộc cách mạng Nga lần thứ nhất. Tháng 7/1905,
cảnh sát bắt toàn bộ cộng tác viên của báo, và ông phải ngồi tù 4 tháng. Sau
khi được thả, ông chạy sang Phần Lan (luật lệ nước đó dễ chịu hơn Nga).
Năm 1907, ông lưu vong sang sống ở Bỉ, Thụy Sĩ, rồi Pháp và Mỹ. Thời
gian ở Pháp, ông tranh thủ học Đại học Sorbonne. L.Trotski gặp Menjinski
lần đầu tiên là ở Paris. Menjinski thời gian ấy thuộc nhóm xã hội - dân chủ
cực tả cùng với Dân uỷ Giáo dục sau này là Lunacharsky. Tại Bôlônha
(Italia), tổ chức Bônsêvich mở một lớp học cho công nhân Nga, và tại đây,
Trotski đã cùng làm việc với Menjinski, kể lại:
"Tôi có thể nói ấn tượng đầu tiên ông ta gây cho tôi là không gây được
ấn tượng gì cả. Ông ta như là cái bóng của một người nào đó khác, hay như
một bức ký họa dở dang của một bức tranh không thành. Có những người
mà khoé mắt và nụ cười thể hiện một sự cố gắng che giấu nhân cách của
bản thân".
Khi Trotski viết những dòng này, ông ta đang ở nước ngoài, sau khi bị
trục xuất, khi mà Menjinski đang tiến hành cuộc đấu tranh chống phe đối
lập trong nước, cho nên nhận xét của ông ta có thể không được khách quan.
G.A.Solomon, một nhà xã hội - dân chủ có tiếng đầu thế kỷ, có quan hệ
gần gũi với gia đình Lênin và là bạn của Menjinski trong thời gian lưu vong
kể lại:
"Sau cuộc cách mạng Nga lần thứ nhất, theo yêu cầu của Lênin,
Menjinski đến Bruxelles để đón Lênin... Tôi trông thấy Menjinski người gù
gù, ốm yếu, và đi sau Menjinski là Lênin. Menjinski thời gian này đang bị
đau thận, không có tiền để chữa bệnh, tay run run xách vali cho Lênin.