Stalin trả lời giản dị và logich:
"Việc xử bắn những tên gián điệp và tay sai của đế quốc không phải là
khủng bố đỏ. Chúng ta đang nói về các tổ chức đặc biệt mà cơ sở đặt ở Anh
hoặc Pháp và các thế lực đế quốc tài trợ cho họ" "Vừa mới đây, chúng tôi
bắt được một nhóm sĩ quan quý tộc. Chúng có nhiệm vụ đánh hơi ngạt cả
một hội trường đại hội có mặt 3 - 4 nghìn người. Bỏ tù những kẻ này thì
chúng chẳng sợ. Đây là vấn đề tiết kiệm sinh mạng: hoặc là tiêu diệt một số
phần tử quý tộc và con nhà tư sản... hoặc để cho chúng sát hại hàng trăm,
hàng nghìn người".
" Khi nói về các án tử hình, thì chúng ta phải đặt câu hỏi: án tử hình đối
với ai? Toàn là những nhà quý tộc, tướng lĩnh sĩ quan Sa hoàng, đã từng
chiến đấu chống lại chính quyền Xô viết. Trong danh sách đó rất hiếm khi
có những người thuộc các giai cấp bị áp bức, có thể vài ba người... làm gián
điệp. Khi người ta phê phán chúng tôi không bảo vệ mọi công dân như
nhau, thì xin trả lời rằng: chúng tôi cũng không định bảo vệ tất cả mọi
người: Chúng tôi nói công khai điều đó, bởi vì chế độ của chúng tôi là chế
độ có giai cấp".
Lý lẽ của Stalin khó có thể bác bỏ được. Chỉ có điều là trên thực tế, mỗi
năm càng có thêm nhiều công nhân và nông dân ngã trước mũi súng hoặc
bị đưa vào trại cải tạo cùng với các đại diện của "giai cấp bóc lột".
Trong những năm 1928 - 1930, đã diễn ra một loạt các vụ án lớn gây
chấn động dư luận trong và ngoài nước, do Ủy ban đặc biệt thiết kế. Đó là
các vụ: vụ Sắc- tưi (xử "tổ chức chuyên gia tư sản ở vùng mỏ Sac-tưi, tỉnh
Đôn-bas") năm 1928, vụ "Đảng công nghiệp" (xử "những kẻ phá hoại trong
công nghiệp") năm 1930, vụ "Đảng Lao động nông dân" năm 1930 và "vụ
trung ương Đảng Mensêvich" (xử về tội "phục hồi chủ nghĩa tư bản") năm
1931.
Các vụ xử án đều nhằm một mục đích là làm cho cả nước thấy rằng những
tổ chức và phần tử phá hoại tồn tại khắp mọi nơi, chính chúng cản trở việc
phục hồi công nghiệp và ổn định cuộc sống của nhân dân. Những kẻ phá
hoại đó trước hết nằm trong số những nhà tư sản, quý tộc cũ, sĩ quan Bạch
vệ, chuyên gia của chế độ cũ.