vụ đầu tiên của APL là phát triển một loại ngòi nổ không tiếp xúc
VT, dùng cho các tàu chiến khi chống không kích từ máy bay địch. Sau này,
cùng với bom nguyên tử và radar, loại ngòi nổ này được xem là một trong ba
công nghệ đóng góp nhiều nhất vào thắng lợi của Mỹ trong Thế chiến thứ II.
Kể từ thành công ban đầu đó, các chương trình, ngân sách và cơ sở vật chất
dành cho APL càng lúc càng phát triển. Trong những thập kỷ gần đây, có thể
kể tên hàng loạt vũ khí cao cấp và hệ thống vũ trụ do APL phát triển cho Bộ
Quốc phòng và NASA như tên lửa hành trình Tomahawk, tên lửa phòng thủ
Aegis hay các tàu vũ trụ chuyên dụng.
Bên cạnh việc nghiên cứu vũ khí và không gian, phòng thí nghiệm này
luôn quan tâm đến khía cạnh tri thức và chiến lược trong những gì họ làm
cho quân đội. Trong số những chức năng khá trừu tượng này, nổi bật hơn cả
là bộ phận thí nghiệm Phân tích Chiến tranh, một trong những cơ sở hàng
đầu trong cả nước Mỹ về trò chơi chiến tranh và lập kế hoạch chiến lược. Do
phòng thí nghiệm ở khá gần thủ đô Washington D.C., đây trở thành địa điểm
được ưa thích để tổ chức những tình huống giả lập về chiến tranh. Phòng thí
nghiệm này đã đóng vai trò chủ nhà cho khá nhiều trò chơi chiến tranh như
vậy trong nhiều thập kỷ. Cũng chính là để thực hiện một trò chơi giả lập về
chiến tranh do Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ mà khoảng 60 chuyên gia từ các
cộng đồng quân sự, tình báo và học thuật đã tập trung về APL vào một buổi
sáng mưa gió cuối mùa đông năm 2009. Lần này, trò chơi chiến tranh giả lập
sẽ hoàn toàn khác biệt so với những lần trước: luật chơi cấm hoàn toàn các
phương pháp mang tính vận động, tức là những vũ khí dùng để bắn hay gây
nổ. Sẽ không có các cuộc đổ bộ, các đội đặc nhiệm hay những đợt tấn công
từ hai cánh của đối phương với lực lượng thiết giáp.
Thay vào đó, những vũ khí được phép sẽ chỉ là... vũ khí tài chính, bao
gồm tiền tệ, cổ phiếu, trái phiếu, các chứng khoán phái sinh. Một cách hình
ảnh, Lầu Năm Góc sẽ chuẩn bị phát động một cuộc chiến tranh tài chính
toàn cầu, sử dụng vũ khí là các đồng tiền và thị trường vốn, thay vì tàu chiến
và phi cơ!
Đầu thế kỷ XXI, sự ưu thắng của quân đội Mỹ về các hệ thống vũ khí quy
ước và công nghệ cao, cũng như về cái mà giới quân sự gọi là 4CI