Vì thế, giới tinh hoa của cộng đồng tài chính thế giới vừa ngạc nhiên vừa
bực bội khi Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega tuyên bố thẳng băng
vào cuối tháng 9/2010 rằng một cuộc chiến tranh tiền tệ mới đã bắt đầu. Tất
nhiên, với giới tinh hoa này thì những sự kiện và áp lực dẫn đến tuyên bố
của Mantega chẳng có gì là mới mẻ hay xa lạ. Những căng thẳng ở tầm quốc
tế về chính sách tỷ giá và theo đó là chính sách lãi suất/tài chính đã hiện diện
thậm chí từ trước khi suy thoái nổ ra vào cuối năm 2007. Trung Quốc liên
tục bị các đối tác thương mại cáo buộc đã cố tình định giá đồng Nhân dân tệ
ở mức quá thấp, đồng thời tích tụ một lượng nợ vượt trội của Mỹ dưới hình
thức trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên cơn hoảng loạn tài chính hồi năm 2008
lại mang đến một góc nhìn khác cho các tranh luận về tỷ giá. Hoàn toàn bất
ngờ khi miếng bánh kinh tế bị thu hẹp lại thay vì phình to ra, dẫn đến việc
các quốc gia vốn trước kia rất hài lòng với phần bánh ngày một tăng lên của
họ thì nay phải lao vào tranh giành lẫn nhau những mảnh vụn bánh còn lại.
Bất chấp những sức ép rõ ràng lên nền tài chính quốc tế cho đến năm
2010, giới tinh hoa tài chính vẫn né tránh, coi việc nhắc tới chiến tranh tiền
tệ là một điều cấm kỵ. Thay vào đó, các chuyên gia tiền tệ quốc tế dùng
những cụm từ như “tái lập cân bằng” hay “điều chỉnh” để nói về những nỗ
lực dàn xếp các loại tỷ giá để đạt được cái mà một số người cho là những kết
quả đáng mong đợi. Tất nhiên, sử dụng uyển ngữ chẳng thể nào làm dịu đi
tình trạng căng thẳng trong hệ thống!
Có một nghịch lý nằm ngay trung tâm của mọi cuộc chiến tranh tiền tệ.
Tuy chiến tranh tiền tệ diễn ra trên bình diện quốc tế, nó lại do những vấn đề
nội bộ từng quốc gia gây ra. Chiến tranh tiền tệ bắt nguồn từ cảm nhận rằng
tăng trưởng nội tại là chưa đủ. Một nước bắt đầu câu chuyện này thông
thường sẽ có tỷ lệ thất nghiệp cao, tăng trưởng thấp hay tốc độ tăng trưởng
suy giảm, hệ thống ngân hàng yếu kém và hệ thống tài chính công suy kiệt.
Trong hoàn cảnh này, rất khó thúc đẩy tăng trưởng thuần túy dựa trên các
công cụ nội tại; và việc xúc tiến xuất khẩu thông qua phá giá tiền tệ trở
thành động lực tăng trưởng duy nhất còn lại. Để hiểu rõ vấn đề này, xin xem
lại 4 thành tố cơ bản của GDP (tổng sản phẩm quốc nội), bao gồm tiêu dùng
(C), đầu tư (I), chi tiêu của chính phủ (G) và xuất khẩu ròng (xuất khẩu X