6
HỌC THUYẾT HIỆN TƯỢNG HỌC – CHỦ NGHĨA NHÂN
VĂN
CARL ROGERS và ABRAHAM MASLOW
Các học thuyết có khái niệm bản thân là cấu trúc chính, là những học
thuyết tiêu biểu cho sự hội nhập các yếu tố của học thuyết toàn thể, học
thuyết hữu cơ, hiện tượng học và học thuyết bản thân.
Trong hình thức tổng quát nhất của nó, hiện tượng học cố gắng định rõ,
tìm hiểu sự khác biệt, mối quan hệ của thực tại và nhận thức cá nhân.
Edmund Husserl, người khởi đầu hiện tượng học, là học trò của cả Stumpf
lẫn Brentano. Ông xem sự khác biệt của Brentano giữa thực tại có thể quan
sát được và nhận thức của cá nhân về thực tại đó như là điểm xuất phát của
mình. Trong quan điểm của Husserl, sự tương tác giữa cá nhân và môi
trường của mình bao hàm một loạt kinh nghiệm, mỗi một kinh nghiệm
được xem là một hiện tượng vốn phải được cá nhân nhận biết giải thích. Sự
giải thích đó thường bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau, kể cả sự kỳ
vọng, các hệ tri giác, các nhu cầu và các ước muốn của người nhận thức,
điều đó có thể gây ra một sự bóp méo thực tại. Do đó, kinh nghiệm có hiệu
lực nhất và có giá trị lớn nhất đối với cá nhân sẵn sàng tiếp nhận kinh
nghiệm khi các nhân tố bóp méo rất nhỏ hay không tồn tại. Trong học
thuyết của Rogers, sự sẵn sàng tiếp nhận kinh nghiệm đó được xem là một
khía cạnh quan trọng của sự phát triển và hoạt động nhân cách.
Dĩ nhiên, học thuyết về cái tôi không phải là duy nhất đối với Rogers.
Trên thực tế, gần đây nhất nó tiêu biểu cho một loạt những cố gắng trong
nhiều thế kỷ nhằm hoạch định một trung tâm cho sự phối hợp của nhân
cách và hoạt động tâm lý. Trong những phát biểu học thuyết khác nhau, các
trung tâm này đã dùng để tổ chức, hội nhập, kiểm soát, hay hướng dẫn hành
vi cũng như đưa ra cơ sở cho các phẩm chất duy nhất của cá nhân. Các triết
gia Hy Lạp cổ đại như Democritus, Plato và Aristotle phát biểu các phiên
bản khác nhau của học thuyết linh hồn, tiền thân của học thuyết về cái tôi.