Nghĩ tới một sự vật chỉ có nghĩa là có ý
thức về sự vật đó theo bất cứ cách nào.
Thứ đến, thuật ngữ này được giới hạn
bằng cách gạt đi tất cả những gì trực tiếp
hiển hiện; chúng ta nghĩ (hoặc nghĩ tới)
điều gì đó chỉ khi nào chúng ta không
trực tiếp trông thấy, nghe, ngửi, hoặc
nếm được. Thứ ba là, ý nghĩa của từ ấy
tiếp tục được lược bớt chỉ bao gồm
những niềm tin có căn cứ trên một kiểu
bằng chứng hay sự thực chứng nào đó.
Trong loại thứ ba này, có hai kiểu – hoặc
đúng hơn, hai cấp độ – cần phải được
tách bạch. Trong một số trường hợp,
một niềm tin được chấp thuận mà hầu
như không mấy tốn sức để chỉ ra được
những cơ sở cho niềm tin ấy. Trong
những hoàn cảnh khác, căn cứ hay nền
tảng của niềm tin phải được chủ động
truy nguyên cũng như tính thích đáng
của nó phải được xem xét. Tiến trình
này gọi là suy nghĩ phản tỉnh; nội tiến
trình này đã có giá trị giáo dục đích
thực, và theo đó hình thành nên chủ đề
cốt lõi cho tập sách này. Ngay sau đây
chúng ta sẽ lần lượt phác sơ qua bốn sắc
thái đó.
Ý nghĩ nhất thời và vu vơ
I. Ở bình diện rộng nhất, ý nghĩ gợi
đến mọi thứ, như chúng ta vẫn nói là “ở
trong đầu ta” hay “lướt qua óc ta”. Khi