thoảng lại có các bạn đem hoa đến tặng. Một lúc sau thầy đã bị cả một rừng
hoa các loại bao quanh.
Vậy là chẳng ai chú ý đến cậu nhỏ. Cậu ta đã biến khỏi lễ khai giảng lúc
nào không biết. Cũng không ai nghĩ đến chuyện đi tìm cậu. Cửa mở toang,
thông ra hành lang dài để đội văn nghệ của các lớp lần lượt vào biểu diễn
những tiết mục ca nhạc và múa đã được chuẩn bị kỹ từ trước. Có cả các bạn
mặc quần áo dân tộc và quần áo thợ mỏ nữa. Khi lễ khai giảng kết thúc, tôi
là người đầu tiên lao ra khỏi trường. Tôi đi tìm cậu bé. Tôi thấy giận mình
quá. Chuyện cái chuông là lỗi tại tôi. Sao tôi lại ngu ngốc như thế. Chính tôi
bảo nó mang chuông đến. Tại tôi mà có chuyện cái chuông ầm ĩ cả trường
như vậy. Cậu nhỏ bị một bữa ngượng chín mặt. Thế nào bọn nó chẳng nhân
chuyện này mà nghĩ ra cho cậu bé một biệt danh.
Khi cái chuông rơi xuống nền nhà, lẽ ra tôi phải chạy đến nhận là của mình.
Như thế sẽ không ai cười thằng bé. Thế mà tôi đã lú lẫn đến mức không
nghĩ ra. Mà tôi cũng sợ mọi người xúm lại hỏi “cái chuông ở đâu ra, để làm
gì?”...
Cậu nhỏ chắc hoảng lắm. Nó lo mọi người vặn vẹo, rồi từ chuyện cái
chuông lại ra chuyện khác. Mà tôi đã dặn nó là không được hé răng với bất
cứ ai về chuyện con tàu. Phải tuyệt đối bí mật mà.
Cậu bé trốn khỏi lễ khai giảng chắc là để bọn năm trên khỏi quấy rầy. Hẳn
cậu nhỏ giận tôi lắm đây. Thế nào bây giờ chẳng ngồi nhà khóc thút thít. Lo
nhất là cậu bé cạch mặt chúng tôi, không bao giờ đến chỗ con tàu nữa.
Tôi biến đi rất nhanh, chỉ muốn tìm ngay được cậu bé, để nói cho nó rõ mọi
chuyện. Tôi đã đến được chỗ cậu ta ở. Cái nhà nhỏ bên kia đường ấy.
Nhưng cửa khóa, chẳng có một bóng người. Chỉ có mấy con gà và một chú
chó bị xích. Chú ta lồng lộn trong khoảng đất nhỏ hẹp dành riêng cho chú.
Thấy tôi, con chó nhảy chồm chồm, sủa inh cả xóm.