vui thích vì cảnh tượng ấy. Dòng xe và người nhốn nháo như điên tới sân
vận động Xtơ-ra-hốp hôm ấy, quả thực tôi mới trông thấy lần đầu.
Vậy là cuối cùng, chúng tôi cũng vào được chỗ ngồi. Những tiếng hò
la của các cổ động viên Tây Đức tay vẫy cao cờ và giăng các khẩu hiệu, giơ
cao ảnh chụp các cầu thủ xuất sắc nhất của họ, làm khán giả chúng tôi cũng
rất nóng máu. Ca-bi-sếch nôn nóng hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc
khác.
Hai giờ sau, trở về từ sân vận động, chúng tôi vô cùng phấn chấn. Ca-
bi-sếch sung sướng như điên, tôi nghĩ, có lẽ hẳn sẽ có lúc đội “Đu-cơ-la”
làm anh ta phát điên thật chứ chẳng chơi! Anh rẽ qua chỗ tôi uống một tách
cà-phê, cạo râu rồi biến, chả là anh vội đến Nhà hát thính phòng xem vở
kịch “Những nhà vật lý”.
Mẹ tôi ăn xong chạy sang chuyện trò bên hàng xóm, và tôi trải rộng
các tờ giấy ra bàn - đó là kết quả các cuộc nghiên cứu, xét nghiệm ở Phòng
thí nghiệm cũng như biên bản các cuộc nói chuyện với cán bộ của Viện.
Khoảng tám giờ rưỡi, bỗng có chuông điện thoại.
- Gô-mô-la đây! Tôi đang cho xe đến đón anh. Và anh đừng mong
đêm nay sẽ được nghỉ ở nhà! Còn Ca-bi-sếch đâu? Ở nhà hát nào cơ? Được
rồi…
Tôi không hình dung nổi chuyện gì vừa xẩy ra. Để chắc bụng, tôi cứ
cầm theo tất cả biên bản, giấy tờ gì có liên quan đên Viện nghiên cứu.
Chiếc xe “Ta-rơ-ca” thường chở Gô-mô-la đỗ xịch dưới cửa.
- Chuyện gì vậy? - Tôi hỏi người lái khi vừa mở cửa xe.
- Tôi cũng không biết. Tôi đến trực từ bốn giờ chiều, và từ lúc đó chỉ ở
trong ga-ra. Nhưng chắc hẳn có chuyện nghiêm trọng, vì cả nhóm đã được
báo động. Gô-mô-la gọi điện đi đâu đó, còn Giắc đang tập hợp nhóm của
mình.