không có đủ các bản vẽ, khi đó còn có thể mang dao đến kề vào cổ hắn mà
đòi! Phần tôi thì không hề có ý định giết ai cả, tôi chẳng biết ông Nô-vắc
nào bên các ông cả! Tôi chỉ nhắc lại những gì ghi trên giấy. Còn nếu các
ông không đủ khả năng tìm bắt được hắn, thì lỗi đâu phải tại tôi?
- Ông thừa biết là Pích-le có khả năng gọi điện cho Nô-vắc, nhưng có
thể, vai trò liên lạc ở tiệm cà-phê là do một người khác làm.
- Chuyện đó tôi không biết. Tôi không ở trong quán cà-phê. Đối với
Vi-ne, thì điều quan trọng là cuốn phim mi-crô-phim phải lọt vào tay ông
ta, còn Pích-le thì phải chết. Vả lại ở trong bật lửa, còn có tấm ảnh chụp kẻ
đồng lõa kia, trong trường hợp cần thiết, có thể dùng nó để đe dọa tố giác.
Vào hôm Thứ Tư, sau bữa trưa, trong khi tôi đi xem bóng đá, Vi-ne ở nhà
xem xét lại cái khuy và phim và hình như tất cả đều tuyệt hảo. Nhưng mọi
sự lại không trôi chảy thế! Nếu không, Vi-ne chẳng phải nằm trong phòng
mổ xác, và tôi đã chẳng phải vào đây...
- Vậy là, ông vẫn khẳng định rằng trên tờ giấy đúng là có ghi tên Nô-
vắc và số 395-14? Nhưng ông có thể nhớ, dòng chữ đó được viết như thế
nào không?
Tôi đưa cho Cuốc một tờ giấy xé trong sổ tay và cái bút bi. Anh viết
rất nhanh: “Nô-vắc”, rồi tiếp “395-14”.
- Trong đó có để một gạch ngang giữa con số thứ ba và con số thứ tư
như vậy à?
Anh ta nhìn tôi đòi hỏi và nghĩ ngợi:
- Tôi nhớ là có cái gạch ấy, nhưng có đúng là ở giữa con số thứ ba và
thứ tư không thì còn phải nghĩ. Để xem nào…
Anh ta lại nghĩ ngợi.
- Đúng là có cái gạch ấy, nhưng tôi không để ý kỹ là ở đâu. Cái chính
là nhớ con số....
Cuộc nói chuyện kéo dài nửa giờ, tôi hỏi, anh ta trả lời.