Vậy là vụ án Nô-vắc kết thúc, chúng tôi chuyển sang cho Viện kiểm
sát làm tiếp. Tất nhiên, sẽ còn phải hỏi cung thêm hắn nữa, nhưng không
phải bộ phận chúng tôi làm.
Chúng tôi cũng được biết thêm một số điều về người đã chết trong
chiếc xe “Xim-ca” xanh: Gióoc-giơ Vít-ke đã có một tiểu sử thật “phong
phú”. Ông ta sinh ở Ba-Lan, rồi lấy quốc tịch Pháp. Khi chiến tranh nổ ra,
ông ta ở Pa-ri. Sau đó ông ta sang Anh, được tập luyện trong đội lính com-
măng-đô, rồi làm việc ở phòng tình báo quân đoàn An-đéc-xơ, với chức vụ
sĩ quan đặc nhiệm. Sau chiến tranh, một thời kỳ ông ta mất tích. Có lẽ, theo
một số tang chứng, ông ta sang Nam Mỹ sinh sống. Ở đâu và bao nhiêu lâu,
không ai biết. Chỉ biết E-gơ Vít-kốp-xky - tên thật ông ta - đã kết thúc đời
mình trên một quãng đường lát đá lạnh lẽo ở ngoại ô Pra-ha như vậy đó!
Vít-ke tức Vít-kốp-xky đã đến Pra-ha, rồi sang Vác-sa-va trên chiếc “Xim-
ca” xanh của mình. Ở Vác-sa-va. Ông ta nhận được một bức điện từ Pa-ri.
Gọi điện về “văn phòng” của hãng, ông ta được lệnh quay trở lại Pra-ha
ngay, ở đó có một nhiệm vụ quan trọng đang đợi. Tất cả các chi tiết đó, các
cơ quan An ninh Ba Lan đã cung cấp cho chúng tôi.
Vậy là ngài Vít-kốp-xky trở lại Pra-ha, kéo dài thời hạn “công tác”.
Vào chiều Thứ Hai, ông ta đến ở khách sạn “Các-lơ-tôn”. Phòng 416, ông
ta tự chọn, vì theo ông ta nói, một tuần trước đó, đi qua Pra-ha, ông ta hình
như đã sống ở đây, và căn phòng này rất hợp ý ông. Ông ta đã gặp may:
phòng này chưa có ai ở. Cũng vào Thứ Hai, Vi-ke đến chỗ mấy đoàn xiếc
đang “nghỉ đông” ở Đôn-nhi Pôt-se-nhit-xơ, nhưng sau, không một lần nào
quay lại đấy nữa.
Vit-ke theo dõi Vi-ne và Cuốc, còn hai người kia thì lại không rời mắt
khỏi Pích-le. Và những gì đã xảy ra sáng Thứ Năm trong phòng Vi-ne, thì
chỉ còn có thể phỏng đoán được. Cuốc không biết gì về sự tồn tại của Vít-
ke cạnh mình. Trong phòng giải phẫu, anh ta nói rằng mới trông thấy Vít-
ke lần đầu tiên. Và chỉ mãi sau, anh ta mới nhớ đến con người đã xuất hiện
ở phòng 316, khi chúng tôi kiểm tra thiết bị “ti- vi” của Vi-ne.