cả với cái “Vincent đáng thương” kia, mà mang một cá tính độc đáo
của chính Verdouillet, mà điều này thì chẳng làm ai thích thú cả. Lời
nguyền rủa của tài năng đích thực, của cá tính độc lập đã giáng xuống
con người đáng thương này như một tiếng sét tai họa. Ai cũng chê bai
những “bức tranh dơ dáng” đó của Verdouillet. Puccioni thậm chí
chẳng buồn dẫn du khách đến xưởng vẽ của ông ta nữa. Verdouillet sợ
đến mất hồn. Cố lấy hết can đảm, ông thử nhập thân hoàn toàn vào
Van Gogh bằng cách suốt ngày ngồi trong vườn ngắm các bụi hoa
hướng dương. Cuối cùng...
Bizien kết thúc câu chuyện bằng một cái nhún vai bất lực.
“Hiện lão ta ở trong bệnh viện. Lão ta xưa nay vốn suy nhược
thần kinh. Cuối cùng lão cắt luôn lỗ tai để cho giống Van Gogh thực.”
Cohn chạy ùa đến bệnh viện. Y thấy Verdouillet nằm trên giường,
cả mặt băng kín, chỉ chừa cái mũi buồn bã nhô ra. Người họa sĩ bị
đánh quỵ bởi chính cá tính của mình ngước nhìn Cohn một cách đầy
mặc cảm tội lỗi, rồi hạ thấp mí mắt.
“Chẳng qua tôi không thể có một Van Gogh trong người.” Ông ta
lẩm bẩm: “Tôi đã cố gắng hết sức, nhưng càng cố thì lại chỉ là
Verdouillet. Tôi đã đánh mất tài năng, hết thật rồi.”
Cohn an ủi: “Có thể tài năng ông sẽ trở lại.”
“Anh nghĩ thế thật sao?”
“Mọi họa sĩ đều có lúc này lúc khác chịu một ảnh hưởng nào đó.
Ông đang trải qua một giai đoạn bị rơi vào dưới ảnh hưởng của chính
ông, ảnh hưởng của Verdouillet. Rồi sẽ hết thôi.”
“Puccioni không chịu đem khách đến mua tranh tôi nữa. Tôi đang
chết đói đây.”
“Để tôi xem có thể làm gì được giúp ông không.” Cohn hứa.
“Trong khi đó, ông hãy thử vẽ vài bức phong cảnh Tahiti xinh xinh đi.
Đừng có ép mình quá. Cứ thử, từ từ thôi. Sao chép lại vài ảnh phong
cảnh chẳng hạn. Rồi nó sẽ trở lại.”