chân lên cao chừng nào hay chừng nấy.
Một tình cảm biết ơn sâu sắc tràn đầy trong lòng Bizien. Ông ta
biết mình đang chứng kiến một vở diễn chân thật, sống động. Bên
cạnh ông, một phụ nữ lớn tuổi đang cúi đọc tập sách mỏng hướng dẫn
du lịch bèn hỏi ông về cảnh tượng khích động trước xe.
Bizien bèn giải thích, “Đây là một đoạn nổi tiếng lấy từ cuộc đời
của Gauguin, gọi là “Lễ Rửa Chân.” Hiện nay đó là một phần trong
nền văn hóa dân gian Tahiti và hàng năm được diễn trong ngày kỷ
niệm cái chết của nhà danh họa. Một trong những thời điểm xúc động
nhất trong cuộc đời của kẻ nổi loạn vĩ đại cuối cùng đã ăn năn hối cải,
một sự kiện mà thường khi người ta bỏ qua không lưu ý đến. Ngày
mai quý khách sẽ đọc báo tường thuật về buổi lễ trên tập san du lịch
của chúng tôi.”
Bizien vọt ra khỏi xe. Người đầu tiên ông ta thấy là Ryckmans.
Lúc này đám đông người Tahiti hình như không còn kiểm soát nổi. Có
những tiếng xì xào đầy dọa nạt, cả tiếng la nữa. Ryckmans đưa mắt
nhìn vị Giám đốc du lịch với ánh mắt lo âu.
“Chuyện gì xảy ra vậy?”, Bizien hỏi.
“Phá hoại chứ gì nữa”, Ryckmans nói giọng hậm hực, “Ngày
hôm qua khi hắn đến bảo tôi là hắn muốn rửa chân Hạ sĩ Pozzo trước
công chúng trước khi rời Tahiti, như là một hành động bày tỏ lòng hổ
thẹn và ăn năn về những phiền phức hay gây ra cho chúng tôi ở xứ
này, tôi biết là hắn lại định giở trò một lần nữa. Tôi từ chối, lễ phép
nhưng cương quyết. Không thể làm vậy cho một anh cảnh sát mặc
đồng phục được. Thế là hắn bắt đầu làm om sòm lên, vì thế tôi phải
gọi điện xin ý kiến ông Thống đốc. Và, ông có tin hay không thì tùy,
nhưng người ta bảo tôi rằng không được làm trái ý hắn ta, nếu không
hắn sẽ từ chối không về Pháp nữa. Mệnh lệnh từ Paris đấy. Làm mất
lòng hắn, hắn có thể đào ngũ sang phía người Mỹ, hoặc cả người Nga
không chừng. Cho nên phải nhịn hắn. Thế là tôi gọi Pozzo lên và bảo
rằng anh ta sẽ được Monsieur Cohn trang trọng rửa chân trước công