quảng cáo cho cái “Địa đàng” này, và cho cả cái nữ tính đặc thù của
xứ này, các cô ả vahine bản xứ.
Bởi vậy Bizien đặt cược lớn cho ưu thế này. Ông ta đang sửa
soạn cho vở kịch “Đoạn đường khổ nạn”, dựng lại từng bước đi của
cuộc hành trình mang cây Thập Ác của vị thánh nổi loạn Gauguin cho
đến khi chết trong “Ngôi nhà Hoan lạc” tồi tàn của mình. Những chi
tiết gây khó chịu nhất thì tất nhiên phải bỏ đi. Sẽ không hề nhắc đến
những đêm trụy lạc của Gauguin, vốn đã được họa sĩ diễn tả rất khoái
trá trong thư gửi Monfreid: “Các cô gái - trẻ con quái ác một cách
tuyệt vời ấy đã ùa vào giường tôi... Có ba trong số những cô ấy cùng
tôi trình diễn suốt đêm qua.” Còn cái việc in ấn những bức ảnh khiêu
dâm cũng nhất thiết phải bỏ đi. Một số chi tiết thực của người ấy sau
lớp huyền thoại đã trở thành cát bụi và không còn quan trọng. Cái
chính là huyền thoại.
Cái chính là chọn người thích hợp để đóng vai người họa sĩ ấy.
Bizien một lần nữa ngước nhìn hai ứng viên đang chờ ông ta phán
quyết.
Verdouillet có thần kinh nhạy cảm và dùng ông ta thì phải rất
thận trọng. Là một người hướng nội bệnh hoạn, ông ta không thích
hợp mấy với hình ảnh Gauguin. Ông ta cũng thiếu cái sức mạnh thể
xác, cái dáng vẻ hoang đàng, thách đố, chiếc mũi ngạo mạn thấy rất rõ
nơi những chân dung tự họa của Gauguin. Nơi Verdouillet không hề
có một nét nổi loạn nào cả. Đã thiếu dáng vẻ bên ngoài, tệ hơn nữa,
ông ta còn thực sự tin ở tài năng của mình, mà có lẽ cũng có đôi chút
tài thật. Bizien nhăn mặt.
Cohn thì lại hoàn toàn khác: Chưa kể về thể chất giống hệt không
thể chối cãi, y còn giống hệt Gauguin về phương diện tinh thần, và y
rất biết cách làm cho danh tiếng vị thánh này sống lại nơi y.
Vị Hoàng đế du lịch vừa quan sát hai đối thủ, vừa lơ đãng quay
quả địa cầu khổng lồ. Verdouillet, nhợt nhạt, càu nhàu, nóng nảy đưa
tay gãi gò má hóp đầy tàn nhang.