Họ nghe tiếng nước chảy và thấy túp lều cỏ trên ngọn đồi giữa
hàng cây đu đủ trái to bự treo lủng lẳng. Hình như ánh sáng khắp mọi
nơi ở cái xứ Tahiti này đều chứa tính chất của biển cả. Mỗi giọt ánh
sáng đều mang trong mình màu lục biếc của vịnh, màu vàng của lưu
huỳnh, màu xanh trong suốt của đầm nước. Họ bỏ xe và đi xuyên qua
con đường hầm đầy hoa đỏ ối và tím thẫm dẫn đến ngôi nhà.
René Le Goff, trần như nhộng, chồm hổm trước nhà đang nướng
cá. Ngồi bệt trên đất bên cạnh gã là cô nàng Vahine Taimaha, áo màu
xanh và trắng, đang cho đứa bé mới sinh bú, đứa bé mà cô nàng đã
yêu cầu những gia đình khá nhất trên đảo nhận làm con nuôi. Cohn
thường ngẫm nghĩ về cái phong tục của người bản xứ Polynesie đem
đứa con máu huyết của mình cho người lạ và nhận đứa con khác làm
con nuôi. Có lẽ tục này bắt nguồn từ nghi tiết tôn giáo Arii bắt buộc
tín đồ phải giết con của chính mình. Bằn cách đem con cho người
khác và nhận con người khác làm con mình, họ thoát khỏi lời nguyền
mà không hề xúc phạm đến thần linh.
Le Goff có khuôn mặt buồn, bộ râu vàng dài thượt, tóc phủ
xuống vai, cả người gã bôi đầy sơn đỏ, xanh, vàng.
“Chào René, có gì mới không?”
“Chào Cohn, tôi nghĩ tôi bị lậu tái phát.”
“Đó là do khí hậu đấy”, Cohn khôn khéo nói.
René thở ra. Với tóc và râu vàng óng, rực rỡ, gã trông giống một
người chiêm tinh Cohn từng quen biết ở khu La Tinh.
“Tất nhiên, tiêm một phát pê-ni thì hết ngay. Nhưng làm thế thì
phạm vào một vấn đề đạo đức. Trên nguyên tắc thì tôi phải tự chữa
bằng cách đặt tay lên người chứ. Nếu họ biết tôi phải đi nhờ bác sĩ
chữa...”
“Thì nhờ cha Tamil, bên dòng Dominican ấy, nhờ ông ta tiêm cho
một mũi. Ông ta vui lòng ngay. Ông ta không nói cho ai biết đâu.”
“Nhưng nhờ đến sự giúp đỡ của một tôn giáo khác thì bẽ mặt
quá.”