Le Goff đến Tahiti ba năm trước đây. Vào thời gian đó giới trẻ ở
nước Anh làm cuộc diễn hành hàng chục ngàn người trên khắp đất
nước nhằm phản kháng sự điên rồ của cuộc chạy đua võ khí hạt nhân
và tình trạng gọi là “sự thăng bằng của nỗi khủng khiếp.” Le Goff nói
rằng gã cũng cố tổ chức những phong trào phản kháng tương tự ở
Pháp, nhưng gã phải chịu thua vì người Pháp vốn quá cá nhân chủ
nghĩa nên không hề quan tâm đến mối đe dọa về cái chết tập thể. Quả
là mọi người Pháp dường như đều cho rằng không có niềm an ủi nào
lớn hơn là cái chết của chính cá nhân mình.
“Thoạt đầu tụi tôi cố diễn hành qua Musée de L’Homme ở Paris,
trần truồng và bôi sơn từ đầu đến chân, để tượng trưng cho tình trạng
sa đọa và man rợ của chúng ta. Tụi tôi chỉ gợi được sự tò mò chốc lát
của quần chúng, thế thôi. Tụi tôi cố kéo dài vài tháng nhưng quần
chúng thì hoàn toàn lạnh nhạt. Anh biết đấy, người Pháp chúng tôi rất
khinh bạc, họ chẳng hề thèm tin vào sự chấm dứt của thế giới. Tụi tôi
cảm thấy mình chỉ mua vui cho họ. Thế là tôi tự bảo “Cút xéo chúng
mày đi!” Rồi tôi trốn đến đây. Dân ở đây thấy tôi ngồi trần truồng, mặt
sơn xanh đỏ, họ bèn xem tôi ít nhất cũng là một vị thần, một Tiki mà
nước Pháp trả lại cho họ. Người ở đây thấy cần phải tin vào một cái gì
đó. Họ cho tôi ăn. Tôi trở thành một loại phù thủy - thầy thuốc của
họ.”
Thế là dần dần, chẳng biết bằng cách nào, Le Goff trở thành một
Đạo-sờ, tức chữa bệnh bằng cách đặt tay mình lên thân thể người
bệnh, dĩ nhiên trừ người hủi, bởi gã chẳng dám đặt tay vào. Một lần,
gặp một nữ bệnh nhân khá đẹp, thay vì chỉ đặt tay, gã lấy luôn ả
Vahine này.
Gã suy sụp hoàn toàn, chỉ uống rượu và làm tình suốt ngày; dầu
gã vẫn tự làm ra bộ nghiêm chỉnh như một thầy lang có bùa phép thật
sự, và vị thầy lang này vẫn phẫn nộ dữ dội khi các ngư dân ở Buuva đi
ra biển mà chẳng thèm dâng cúng gì cho gã, có một sự thật là chỗ của
gã chẳng hề được đưa vào danh sách “những địa điểm văn hóa phải