bữa rượu. Gã kia ngồi dựa gốc cây, nhìn chằm chằm chiếc xe bóng loáng
bằng cặp mắt trũng mà thậm chí từ xa cũng đã toát vẻ hằn học. Một người
phụ nữ gầy nhẳng uể oải rửa khung cửa sổ của cửa hiệu dược phẩm. Rhyme
chẳng còn nhìn thấy ai nữa.
“Thật thanh bình”, Thom nhận xét.
“Đấy chỉ là một cách mô tả”, Sachs nói, rõ ràng chia sẻ cảm giác bất an
với Rhyme trước sự trống vắng của nơi đây.
Phố Chính là những tòa nhà cũ kỹ kéo dài mệt mỏi và hai dãy nhỏ hàng
quán. Rhyme để ý thấy có một siêu thị, hai cửa hiệu dược phẩm, hai quán
bar, một quán ăn, một cửa hiệu bán quần áo phụ nữ, một công ty bảo hiểm,
một tổ hợp cửa hiệu bán hàng video, bán kẹo và làm móng. Một đại lý xe
hơi A-OK nằm kẹp giữa một ngân hàng và một công ty kinh doanh các đồ
nghề đi biển. Tất cả mọi người đều bán mồi câu. Một biển quảng cáo
McDonald's cách thị trấn bảy dặm dọc theo đường 17. Một biển quảng các
khác đã bị phai màu vì ánh nắng, vẽ hai con tàu Monitor và Merrimack thời
Nội chiến. “Hãy đến thăm Bảo tàng Thiết giáp.” Bạn sẽ phải lái xe đi hai
mươi hai dặm.
Trong lúc quan sát tất cả các chi tiết của cái đời sống nơi thị trấn nhỏ
này, Rhyme sững sờ nhận ra ở đây, với tư cách một nhà hình sự học, anh
mới thiếu chiều sâu hiểu biết làm sao. Anh có thể phân tích thành công
những chứng cứ ở New York, bởi anh đã sống ở đó ngần ấy năm – đã chia
cắt được thành phố ra nhiều phần, đã bước đi trên các con đường của nó, đã
nghiên cứu lịch sử của nó, quần thể thực vật và động vật của nó. Nhưng ở
đây, ở Tanner’s Conrner và những vùng ven, anh chẳng biết gì về thói quen
của người dân, họ thích loại xe hơi nào, họ sống trong những kiểu nhà nào,
những ngành nghề họ làm, những ham muốn thúc đẩy họ.
Rhyme nhớ lại hồi mới được tuyển dụng, làm việc với một thám tử cao
cấp tại Sở Cảnh sát New York. Ông ta đã lên lớp cho đàn em của mình: “Có
người hỏi tôi: thành ngữ “như cá trên cạn” có nghĩa là gì?”.
Chàng cảnh sát trẻ Rhyme trả lời: “Nghĩa là không ở trong môi trường
quen thuộc của mình. Lúng túng”.