“Anh thế nào?”, Sachs thì thào hỏi Rhyme, “Và trước khi anh lại làu bàu
với cả em nữa, em sẽ không nói chuyện nóng nực gì đâu.”
Anh nhún vai - cử chỉ này, một lời làu bàu câm lặng, ý muốn nói: tôi ổn.
Nhưng thực tế thì anh không ổn. Một thiết bị kích thích dây thần kinh
hoành bằng dòng điện giúp phổi anh hoạt động. Anh ghét cái thiết bị này -
anh đã dần dần thôi phải phụ thuộc vào nó từ vài năm trước - nhưng bây giờ
rõ ràng là anh cần đến nó. Cách đây hai ngày, trên bàn mổ, Lydia Johansson
suýt khiến anh ngừng thở vĩnh viễn.
Trong phòng chờ của bệnh viện, sau khi Lydia chào tạm biệt Sachs và
Lucy, Sachs để ý thấy cô y tá biến mất qua ô cửa có biển đề KHOA GIẢI
PHẪU THẦN KINH. Sachs đã hỏi: “Chị bảo cô ấy làm việc tại khoa ung
bướu, đúng không nhỉ?”.
“Đúng.”
“Thế thì cô ấy đang làm gì đằng kia?”
“Có thể là ghé qua chào Lincoln”, Lucy phỏng đoán.
Nhưng Sachs không cho rằng y tá lại đến thăm xã giao bệnh nhân chuẩn
bị được phẫu thuật.
Rồi cô nghĩ: Lydia vốn vẫn có cơ hội biết về các chẩn đoán ung thư đối
với những người từ Tanner’s Corner đến khám bệnh. Tiếp theo, cô lại nhớ
ra là một kẻ nào đó đã cung cấp thông tin về các bệnh nhân ung thư cho
Bell - ba người ở Bến tàu kênh Nước đen bị Culbeau và đồng bọn giết chết.
Còn ai hữu ích hơn một y tá làm việc tại khoa ung bướu chứ? Điều này khó
có thể tin nổi, nhưng Sachs vẫn nói với Lucy và người nữ cảnh sát rút điện
thoại di động ra thực hiện cuộc gọi khẩn cấp tới hãng điện thoại. Bộ phận
an ninh của họ đã khôi phục lại tỉ mỉ các cuộc gọi của Jim Bell. Có hàng
trăm cuộc gọi tới máy Lydia và từ máy cô ta tới.
“Cô ta định giết chết anh ấy!”, Sachs kêu lên. Và hai người phụ nữ, một
đã rút súng ra, chạy ào vào phòng mổ - chẳng khác nào một cảnh trong bộ
phim truyền hình đầy kịch tính ER
- đúng lúc Tiến sĩ Weaver chuẩn bị
đưa dao rạch.