khi tiệm đóng cửa; khẩn trương làm một "pô" ảnh photomaton; rồi bia,
tuyên truyền Đảng và thư giãn.
Tôi tỏ vẻ thán phục cái thời gian biểu cẩn thận, khít khao của Klepp, xin
hắn một bản và hỏi hắn làm gì khi, thi thoảng, xuất hiện những khoảng
trống.
Dĩ nhiên, kể vậy cốt để dẫn đến trải nghiệm, đầu tiên của Oskar với thời
gian biểu.
Chuyện bắt đầu một cách vô hại ở vườn trẻ của Cô Kauer. Sáng sáng,
Hedwig Bronski đến đưa tôi cùng Stephan đến chỗ Cô Kauer ở đường
Posadowski-Weg; tại đó, cùng với năm, sáu đứa nhóc khác - bao giờ cũng
có mấy đứa ốm - chúng tôi phải chơi cho đến khi phát ớn đến tận cổ. May
sao, cái trống của tôi được coi như một thứ đồ chơi, tôi không bao giờ buộc
phải chơi xây cất bằng những miếng gỗ và chỉ khi nào cần một kỵ sĩ đánh
trống đội mũ giấy, tôi mới phải cưỡi lên một con ngựa bập bênh mà thôi.
Ngón trống của tôi nhằm vào cái áo lụa dài màu đen với vô vàn khuy cài
của Cô Kauer.
Mỗi ngày mấy bận, tôi diễn trống cởi hết khuy áo của cô, mở phanh ra rồi
lại cài lại đâu vào đó. Người Cô gày đét, toàn những nếp nhăn, dám chắc là
tôi không mảy may tơ tưởng đến thân thể Cô khi làm vậy.
Những cuộc đi dạo buổi chiều dọc những đại lộ giữa hai hàng cây hạt dẻ
qua tượng đài Gutenberg, vượt gò Erbsberg tới tận rừng Jeschkentaler, thật
tẻ nhạt mà dễ chịu, ngẩn ngơ mà trong sáng thiên thần đến nỗi ngay cả bây
giờ, tôi vẫn ao ước lại được nắm bàn tay khô như giấy của Cô Kauer cùng
đám bạn lau nhau dạo chơi như trong tranh truyện.
Thoạt tiên, cả bọn chúng tôi - khoảng sáu đến tám hay mười hai đứa -
phải được thắng như thắng ngựa vào xe. "Càng xe" là một dải băng bằng
len màu xanh nhạt. Mỗi bên buộc sáu dây cương bằng len có gắn lục lạc, đủ