Cứ như thể tôi chưa đủ thứ bận tâm vậy.
“Ông à, cháu đang bận. Có chuyện gì thế ạ?” Tôi chào ông. Có lẽ không
phải là câu chào hỏi nồng nhiệt, nhưng lúc này tôi chẳng còn lòng dạ nào
mà chúc mừng Giáng sinh nữa. Hơn nữa, chuyện trò với ông, dù ông đã bảy
mươi tư tuổi, song vẫn như đi đánh trận vậy. Nếu không tấn công ông ngay
lập tức, ông sẽ ăn tươi nuốt sống tôi ngay.
“Chúc cháu buổi tối tốt lành, Michael,” Seamus nói. Tôi hiểu mình đang
ở thế tấn công khi dòng dõi Ireland của tôi trở lại dưới dạng tên tôi bằng
tiếng Xentơ. Gia tộc tôi lưu truyền rằng ông không chỉ hôn hòn đá Blarney
hàng ngày, mà còn cắn một miếng và nuốt. Hàng ngày.
“Cháu có kiểu nói chuyện đặc biệt dễ thương với người vừa chăm sóc
cho cả bầy ngỗng non của cháu,” ông kết luận.
Bầy ngỗng non, tôi nghĩ và trợn mắt. Ông tôi có thể làm cho Malachy
hoặc Frank McCourt
ăn cái mũ bằng vải tuýt của mình. Ông là một người
Ireland trong giai đoạn huy hoàng nhất còn sống sót. Ông đến đất nước này
vào những năm 1940, ở tuổi mười hai. Đã hơn sáu chục năm kể từ khi ông
đặt chân lên ‘đám cỏ già’, ông gọi nước Mỹ như thế, nhưng nếu bạn không
hiểu rõ ông, bất cứ lúc nào bạn cũng tưởng như ông vừa cưỡi lừa theo
những rẻo đất mọc cỏ để ra khỏi đầm lầy.
Tuy vậy, ông thường xuyên đến, thăm hỏi các cháu chắt. Ơn Chúa, dưới
lớp vỏ thuyết giáo dày cộp là một tấm lòng vàng thuần khiết.
“Mary Catherine đâu ạ?” Tôi hỏi.
“Đấy là tên con bé, hở? Chúng ta chưa chính thức giới thiệu với nhau.
Sao cháu không kể với ta là bọn cháu nhận nuôi thêm đứa nữa?”
Tôi hiểu ngay. Lời nói bóng gió chết người ấy chỉ là bề mặt. Nếu bạn
nhìn kỹ, có thể thấy lưỡi ông Seamus sắc như dao.
“Cô ấy là người tốt, ông ạ,” tôi nói. “Chắc ông phải quan sát cô ấy suốt
buổi chiều. Mary Catherine tình cờ trở thành người giúp việc.”
“Người giúp việc. Ngày nay gọi là thế à?” Ông tôi nói. “Hãy cẩn thận
đấy, Michael ạ. Một Chủ nhật xưa, bà Eileen của cháu đã bắt gặp ta nói
chuyện với một người giúp việc ở góc phố Dublin. Bà ấy đã lấy cây gậy
đánh bóng quật ta gãy ba xương sườn đấy.”