trong thiên hạ. Từ đó đến nay đã hơn ba trăm năm, hàng xuất gia cũng như
người thế tục, kính ngưỡng vâng theo phong cách đạo hạnh cao vời của ngài
mà phát tâm từ bi cứu sống sinh mạng muôn loài, quả thật số nhiều không thể
kể xiết.
Có người hỏi: “Những người cô độc, những kẻ khốn cùng nghèo đói, ở đâu
cũng có, sao không lo chu cấp cứu giúp cho họ, mà chỉ chuyên tâm gấp rút lo
cho những loài vật chẳng liên quan gì đến ta, như vậy chẳng phải là đã đảo
ngược lấy nhẹ làm nặng, bỏ việc gấp mà làm việc hoãn đó sao?”
Đáp rằng: “Nói như vậy là vì chưa rõ biết được nguyên nhân vì sao đức Như
Lai dạy người phải giữ giới không giết hại, thực hành phóng sinh. Người với
muôn vật tuy [hình dạng] khác nhau, nhưng tánh Phật vốn đồng như nhau.
Những chúng sinh kia do tạo nghiệp xấu ác nên nay phải luân chuyển trong
loài cầm thú, chúng ta nhờ có nghiệp lành đã tạo nên may mắn được sinh làm
người, nếu không biết khởi lòng lân mẫn xót thương muôn vật, lại buông thả
theo thế tục mà ăn nuốt xương thịt chúng sinh, thì một mai khi phước lành đã
hết, nghiệp ác của những chúng sinh [bị ta ăn thịt] cũng hết, ắt khó lòng tránh
khỏi phải đối mặt đền trả, chịu giết hại và bị ăn nuốt lại.
“Nên biết, nạn binh đao tai kiếp vốn đều do nghiệp giết hại [của chúng sinh]
chiêu cảm mà có. Nếu không có nghiệp giết hại, cho dù tự thân có gặp phải
bọn giặc cướp, ắt chúng cũng khởi tâm lành mà không giết hại ta. Hơn nữa,
những nạn khổ như ôn dịch, lũ lụt, lửa cháy hoặc những tai nạn bất ngờ đều rất
ít xảy ra với những người giữ giới không giết hại, thực hành phóng sinh. Cho
nên biết rằng, việc bảo vệ sự sống của chúng sinh vốn cũng là bảo vệ chính
mình. Người giữ giới không giết hại thì bản thân không bị chư thiên giết hại,
không bị quỷ thần giết hại, không bị giặc cướp giết hại, cũng không bị giết hại
bởi sự báo oán qua lại trong tương lai.