hươu con chết, hươu mẹ cũng chết theo. Hứa Chân Quân mổ bụng hươu mẹ ra
xem, thấy ruột nó đứt thành từng đoạn. Đó là vì nó quá thương đứa con bị
chết, đau đớn quá độ đến nỗi ruột đứt thành từng đoạn. Hứa Chân Quân hết
sức ân hận, sám hối tội lỗi của mình, liền bẻ gãy cung tên, bỏ vào núi sâu tu
đạo, sau chứng được đạo quả, cả nhà cùng bay lên trời. Câu chuyện này làm
rõ ý “mẹ con chia lìa ly tán” vừa nói ở đoạn văn trước.
Chuyện vượn sợ chết, là nói đến việc Sở vương đi săn cùng với Dưỡng Do
Cơ. Khi ấy nhìn thấy một con vượn, Sở vương liền ra lệnh cho Dưỡng Do Cơ
giương cung bắn. Con vượn vừa nhìn thấy Dưỡng Do Cơ liền rơi lệ khóc. Đó
là vì giống vượn này có đôi tay nhanh nhẹn mềm mại, có thể chộp bắt được cả
mũi tên đang bay. Nhưng Dưỡng Do Cơ là tay thần xạ thời bấy giờ, nên nó
biết là không thể bắt kịp mũi tên ông bắn, chắc chắn sẽ phải chịu chết, vì thế
nên rơi lệ khóc. Câu chuyện này làm rõ ý “kinh sợ đến hồn xiêu phách lạc”
vừa nói ở đoạn văn trước.
Đó là cậy mình mạnh mà hiếp kẻ yếu, theo lý chỉ e rằng không đúng, ăn thịt
muôn loài để bổ dưỡng thân mình, nỡ lòng nào lại thế?
Giảng rộng:
Xét theo hai chuyện vừa kể trên thì biết rằng việc giết hại hết sức không nên
làm. Người đời luôn nói rằng thịt của muôn loài cầm thú đều là món người có
thể ăn, nhưng không biết đó chẳng qua chỉ là ỷ mạnh hiếp yếu mà thôi. Nếu
không phải vậy, ắt hổ dữ ăn thịt người rồi cũng có thể cho rằng thịt người là
món hổ có thể ăn. Bọ ngựa ăn ve sầu, chim sẻ lại ăn bọ ngựa, rồi chim ưng lại
bắt chim sẻ mà ăn. Kẻ yếu bị ăn thịt, kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu, lý lẽ mạnh được
yếu thua thật quá rõ ràng, không còn gì phải ngờ vực cả.