vui quá đấy thôi.
“Phải, mẹ vui quá!” Chị xác nhận lời chồng giữa những tiếng
sụt sịt. Chị khuỵu gối xuống trước mặt chúng và lần lượt ôm lấy
từng đứa, rồi ôm chầm cả hai đứa. Chị thấy Dukhi nhìn mình,
và dẫn hai con ra chỗ anh. “Các con ôm bố đi,” chị nói, “hôm nay
là một ngày rất đặc biệt.”
Chị quày quả rời khỏi lều, chạy đi tìm mấy người hàng xóm.
“Padma! Savitri! Ra mà xem này! Amba với Pyari, hai chị cũng ra
đây! Xem hai thằng con tôi mang gì về này!”
Dukhi toét miệng cười với hai thằng con. “Tối nay lại chả có
cơm nước gì đâu. Cái choli mới sẽ làm mẹ chúng bay quên hết
trời đất, thế nào bà ấy cũng mất cả ngày để khoe áo cho mà
xem.” Anh vỗ vỗ lên ngực và sườn. “Cái áo này vừa vặn hơn hẳn
cái cũ của bố. Vải cũng đẹp hơn nữa.” “Bố nhìn này, có cả túi nữa
đấy,” Narayan nói.
Roopa và Dukhi mặc áo mới suốt cả tuần. Sau đó, khi hai
thằng con trở lại trên thị trấn, chị cởi chiếc choli ra và đòi anh
đưa cho cái áo vét.
“Để làm gì?” Anh hỏi.
“Để giặt.”
Song chị không chịu đưa trả anh khi áo đã khô. “Nhỡ mình
làm rách hay gì đó thì sao?” Chị gấp gọn cả hai chiếc áo, lấy vải
gai gói lại, và buộc dây thật chặt. Chị treo cái gói toòng teng trên
trần lều, khỏi sợ nước lũ và chuột bọ.
Những năm tháng học việc của Ishvar và Narayan được đo
bằng từng khoảng ba tháng một, nhờ có những tuần về thăm
nhà nên cũng thấy bớt dài. Giờ hai anh em đã một mười tám,
một mười sáu, khóa đào tạo đang tiến dần đến những ngày