Khi chúng đo xong, ai nấy hoan hô ầm ĩ. Đến tối, Dukhi bèn
mượn tờ giấy để mang ra gốc cây bên bờ sông khoe bạn. Anh
giắt nó theo bên mình luôn suốt cả tuần đó.
Rồi cũng đến lúc hai cậu bé phải trở lại Hiệu may Muza ar.
Tâm trí hai vợ chồng lại ngập trong nỗi sợ hãi trước cảm giác
trống trải sắp bao trùm lên cuộc sống của họ, ngôi lều của họ.
Ishvar xin lại bố tờ giấy ghi các số đo.
“Cho bố giữ không được à?” Dukhi hỏi. Hai cậu bé cân lên đặt
xuống lời đề nghị của bố một lúc, rồi lục lọi mãi cũng kiếm được
một mẩu giấy để chép lại các số đo, nhờ vậy bố chúng lại được
cầm bản gốc.
Ba tháng nữa trôi qua, rồi cũng đến chuyến thăm nhà tiếp
theo. Lần này, hai anh em mang cả quà về cho bố mẹ. Ishvar và
Narayan đã hẹn trước với nhau, là sẽ đánh lừa bố mẹ một phen,
bảo rằng hai đứa đã mua quà ở một cửa tiệm lớn trên thị trấn, y
như những nhà giàu trên đó.
“Cái gì thế này?” Roopa hoảng hốt kêu lên. “Các con lấy tiền
đâu mà mua?”
“Mẹ, không phải bọn con mua đâu! Bọn con tự may đấy!”
Narayan nói, quên bẵng mất trò đùa nho nhỏ của hai anh em.
Ishvar hào hứng kể chú Ashraf đã giúp chúng chọn và ghép
những mảnh còn thừa lại trong số vải dùng may đồ cho khách
như thế nào. Chiếc áo vét cho bố khá dễ xử; vì có vô khối mẩu
vải pô-pơ-lin trắng còn thừa. Cái áo choli cho mẹ lại cần tính
toán tỉ mỉ hơn một chút. Một mẩu vải in hoa đỏ và vàng được
lấy làm mặt trước áo. Mặt sau màu đỏ sậm, còn ống tay được
may từ một mảnh vải đỏ son.
Chiếc choli vừa mặc vào người, Roopa bật khóc. Ishvar và
Narayan hốt hoảng nhìn sang bố, bố chúng bèn bảo mẹ khóc vì