Còn có những tai nạn khác, nghiêm trọng hơn ca của Ishvar
nhiều. Một người đàn bà mù, được giao nhiệm vụ đập đá, sau
vài ngày làm việc suôn sẻ, đã quai búa nát cả ngón tay. Một đứa
trẻ rơi từ trên giàn giáo xuống, gãy cả hai chân. Một người đàn
ông cụt tay, vác các sọt cát gá vào một bộ đai đeo vai, bị gãy cổ
khi anh ta mất thăng bằng và dây đai trật đi.
Đến cuối tuần, đã có kha khá người mới đến bị viên đốc công
liệt vào hàng vô dụng. Ngài Bác sĩ chữa cho họ bằng loại dầu ưa
thích của mình. Những lúc cao hứng, anh ta thậm chí còn dùng
cả nẹp và băng gạc. Shankar được phân công mang cơm nước
cho người bệnh. Lão rất thích nhiệm vụ này, háo hức chờ đến
giờ ăn, ngồi trên bệ lăn từ gian bếp nóng bỏng đến khu lán ngập
trong tiếng rên la với một ý thức trách nhiệm mới. Ở mỗi điểm
dừng chân, lão lại được con bệnh dành tặng không biết bao
nhiêu lời cảm ơn và cầu chúc chân thành.
Điều lão thực sự mong muốn, dẫu vậy, là chăm sóc vết
thương cho họ và giúp giảm bớt nỗi đau đớn của họ, điều mà
ngài Bác sĩ hình như không có khả năng làm. “Tôi thấy anh ta
không phải là bác sĩ thông minh cho lắm đâu,” lão tâm sự với
Ishvar và Om. “Anh ta toàn dùng một thứ thuốc cho tất cả các
bệnh nhân thôi.”
Suốt những ngày dài dặc, nóng bức, các con bệnh không ngớt
gào thét xin cứu giúp, còn Shankar chuyện trò với họ, lấy nước
vã lên trán họ, an ủi họ rằng tương lai rồi sẽ tốt đẹp hơn. Khi
đám công nhân quay về vào buổi tối, đói khát và kiệt quệ,
những tràng rên rỉ không dứt khiến họ phát điên. Tình trạng
này còn kéo dài đến khuya lơ khuya lắc, làm họ không tài nào
ngủ nổi. Rốt cuộc, sau vài đêm, cũng có người chạy đi kêu ca.
Cáu bẳn vì bị đánh thức, viên đốc công quay sang chửi mắng
đám người bị thương. “Ngài bác sĩ đã chăm sóc các người cẩn