vé xe buýt thôi.”
“Vâng, nhà cháu sẽ trả cho chú, chú khỏi lo,” Om nói. “Bác
cháu sẽ còn phải đến bệnh viện. Và có lẽ sau vài tuần nữa, khi
nào bác ấy thấy khá lên, chú có thể đưa hai bác cháu ra ga tàu
hỏa. Nhà cháu sẽ sớm trở lên thành phố.”
Cuộc hồi phục diễn tiến rất chậm. Tiền bạc của họ cạn dần.
Ishvar ăn rất kém, và những buổi đêm của ông thường xuyên
trôi qua trong sự dằn vặt của những cơn nóng sốt và ác mộng.
Ông liên tục choàng dậy và khóc nức nở. Om vỗ về ông, hỏi ông
muốn gì.
“Mày mát xa chân cho bác với, bác đau quá,” ông luôn nói thế.
Một tối, người cháu của ông trẻ Ashraf ở xưởng gỗ đến gặp
họ. Anh ta đã tìm được người mua lại cửa hiệu. “Tôi rất tiếc phải
ép hai người rời đi. Nhưng ai mà biết được đến bao giờ tôi mới
kiếm được mối mới?” Anh ta đề nghị cho hai người trú tạm ở
một cái lều hoặc lán, chắc chắn ở xưởng gỗ sẽ có góc nào đó họ
có thể tận dụng.
“Không, không sao đâu,” Om nói. “Chúng tôi sẽ quay lại
thành phố và tiếp tục công việc may vá.”
Lần này Ishvar đồng ý với cậu. Ông cảm thấy tốt hơn hết là ra
đi, thay vì ở lại cái nơi chẳng mang lại cho họ điều gì khác ngoài
khổ đau này. Giờ đây, mỗi ngày đều ê chề tủi nhục, khi những
người quen biết họ, nhất là các hàng xóm láng giềng, giương
mắt nhìn họ chòng chọc trên những chuyến đi về bệnh viện, rồi
thì thọt với nhau, rồi tránh dạt đi mỗi khi họ nhìn thấy chiếc xe
bò đi tới.
“Anh giúp chúng tôi một việc cuối cùng được không?” Om
nhờ người cháu của ông trẻ Ashraf. “Anh có thể bảo các thợ mộc