“Cuối cùng cháu cũng nhận được tin bên trường. Cháu rất
tiếc phải báo rằng điểm của cháu không tốt lắm. Họ đã từ chối
đơn cháu xin vào học chương trình lấy bằng, nên cháu đành
phải bằng lòng với chứng chỉ một năm vậy.”
Cô biết điều gì sắp tới, nhưng vẫn đọc tiếp, cố gắng chống cự
cảm giác nôn nao đang cồn lên trong bụng. “Phải chi dì được
thấy tấn tuồng diễn ra khi tin này bay đến. Nếu dì còn nhớ, khi
cháu mới ngỏ ý muốn học thêm ba năm nữa, bố mẹ cháu đã
phản đối ra trò. Nhưng giờ nhà lại nổi điên với cháu vì lý do
ngược lại. Con định làm gì với đời mình đây, bố cháu cứ nhai
nhải thế, hết rồi, hết thật rồi, thằng bé này chẳng hiểu đây là
một chuyện bất hạnh đến nhường nào đâu, cả đời tôi đã là bất
hạnh nối bất hạnh, tôi cứ nghĩ con trai tôi sẽ thay số đổi vận,
nhưng lẽ ra tôi phải biết chứ, đường chỉ trên tay tôi là vĩnh cửu,
chẳng đời nào được phép đổi khác, đấy là số mệnh của tôi rồi,
tôi chống lại làm sao nổi.
“Dì có nhớ mấy trò cường điệu của chú Ishvar khi động đến
việc tìm vợ cho Om không? Toàn đồ bỏ, dì ạ, nếu so với màn
trình diễn của bố cháu. Lẽ ra cháu không bao giờ nên nói cho họ
biết cháu dự định theo học cái chương trình lấy bằng ngớ ngẩn
đấy.
“Cũng may, sau khi tấn tuồng chấm dứt, một người bạn của
bố mẹ cháu đã đem về vài tin tốt lành. Thiếu tướng Grewal có
vài mối quen bên mấy nước Ả Rập giàu có ở vùng Vịnh, chỗ mà
tiền mọc trên cây ấy. Ông ấy hứa lo cho cháu một công việc rất
tốt trong một công ty điện lạnh và điều hòa nhiệt độ ở Dubai.
Cái ông thiếu tướng đấy luôn nghĩ mình là một hài kịch gia đại
tài. Ông ta nói dân ở đó người nào cũng có một cái máy để làm
mát lều của mình ngoài sa mạc, và vì bão cát cùng gió khô liên