hàng hóa mỗi nhân viên bắt được. “Thế nên dạo này họ sách
nhiễu bọn ta khiếp lắm.”
“Mấy bộ sari đã được gấp cẩn thận của tôi rồi đến nhàu nhĩ
hết mất thôi,” bà vợ ông kia rên rỉ.
Nhân viên hải quan kiểm tra va li của Maneck xọc ngón tay
vào bên dưới đống quần áo và sờ soạng tứ phía. Maneck tự hỏi
không biết có hình phạt nào cho tội đặt bẫy chuột bên trong
hành lý của mình không. Sau một hồi tích cực mò mẫm, nhân
viên nọ đành miễn cưỡng cho anh qua.
Maneck sập va li lại, rồi vội vã đi ra bên ngoài, đến trước một
chiếc xe tắc xi, bảo chở đến ga tàu hỏa. Người tài xế tỏ ra không
mặn mà gì với cuốc khách này. “Điểm đến ở đúng ngay trung
tâm bạo loạn. Nguy hiểm lắm.”
“Bạo loạn gì?”
“Anh không biết sao? Nhiều người đang bị đánh, bị chém và
bị thiêu sống ở đó đấy.”
Thay vì tranh cãi với anh ta, Maneck thử một mối khác.
Nhưng mọi tài xế tắc xi anh hỏi tới đều từ chối món tiền với
cùng một lời cảnh báo. Một số người còn khuyên anh nghỉ tạm
ở một khách sạn gần sân bay cho đến khi tình hình lắng dịu.
Trong lúc chán nản, anh quyết định sẽ đề nghị trả thêm tiền
cho người tiếp theo. “Anh sẽ được gấp đôi số tiền ghi trên đồng
hồ tính cước, đồng ý không? Tôi phải về nhà, bố tôi vừa mất.
Nếu tôi lỡ chuyến tàu này, tôi sẽ lỡ luôn đám tang của ông.”
“Không phải tôi lăn tăn chuyện tiền nong, anh ạ. Mạng sống
của anh và tôi đáng giá hơn nhiều. Nhưng anh cứ vào đi, tôi sẽ
cố gắng hết sức.” Anh ta vươn tay với chiếc đồng hồ tính cước,