cao, các nhóm vận động, hoặc các công ty mới thành lập trong các
ngành cạnh tranh cao, rất dễ có xu hướng hy sinh thời gian với gia
đình và cộng đồng của họ. Họ cần phải lấy lại sự quen thuộc với
việc sống một cuộc sống cân bằng.
Khó khăn của cuộc chia ly rốt cục là một cuộc khủng hoảng về
bản sắc. Chúng ta không còn biết chắc chắn mình là ai khi đứng
độc lập khỏi tổ chức. Có thể thấy một dạng cực đoan của hiện tượng
này trong các giáo đoàn, đặc biệt là trong các giáo đoàn mà các thành
viên không thuộc về bất kỳ một đơn vị xã hội nào khác, và họ hình
thành bản sắc của mình gần như hoàn toàn từ tư cách thành viên
của giáo đoàn. Tuy nhiên, hiện tượng này xuất hiện phổ biến ở các
dạng ít cực đoan hơn: hãy quan sát những người mới về hưu hoặc
những người vừa mất việc làm. Tách bản sắc của chúng ta ra khỏi
trạng thái gắn bó với một tổ chức làm tăng sự khuấy động trong
cảm xúc khi ra đi.
Những người thừa hành đang đấu tranh với việc ra đi có thể tự
hỏi mình những câu hỏi sau đây:
“Đứng một mình thì mình là ai?”
“Mình tin vào điều gì?”
“Mình muốn gì?”
“Mục đích của tổ chức có còn là mục đích của mình hay không?”
“Có những cách khác để theo đuổi mục đích này không?”
“Mình thực sự cần gì để tồn tại?”
“Mình có những kỹ năng nào?”
“Mình có thể làm gì khác với những kỹ năng này?”