khuyếch đại lên cùng với sự gia tăng quyền lực. Trong cả hai trường
hợp, tài năng của nhà lãnh đạo đều có thể bị những yếu kém làm
cho lu mờ đi.
Các nhà lãnh đạo năng động là tia sáng, là ngọn lửa làm cháy bùng
lên hành động. Với tầm nhìn, họ sẽ tạo ra và tập trung quyền lực.
Tuy nhiên, những người thừa hành là người đảm bảo quyền lực đó
được sử dụng một cách có lợi nhất. Các nhà lãnh đạo năng động có
thể sử dụng tốt quyền lực nhưng họ không thể là người đảm bảo.
Trong niềm đam mê, khả năng bành trướng, cùng động lực của họ,
các nhà lãnh đạo năng động dễ trở nên thái quá: một thương vụ quá
lớn, một kết luận quá quan trọng, một lý do quá chính đáng, một
hình ảnh quá tinh khiết, một lối sống quá giàu sang, một đối thủ
quá thù ghét, một cây cầu quá dài. Chúng ta sẽ tạo được ra sự cân
bằng nếu dám chống lại các nhà lãnh đạo của mình.
Tại tâm điểm của sự cân bằng là bản chất nhị nguyên của Vũ trụ
– tôi và những người còn lại – cùng sự cần thiết của mối quan hệ.
Mối quan hệ đích thực sẽ không khoan nhượng một khi sự cực đoan
trở thành sự lạm dụng. Đối với nhà lãnh đạo, yếu tố then chốt
đối với sự cân bằng cá nhân là chất lượng các mối quan hệ của họ
với những người thừa hành. Các mối quan hệ cởi mở, thẳng thắn sẽ
tạo nên một dòng chảy thông tin phản hồi ổn định, đúng sự thật. Chỉ
có qua thông tin phản hồi, các nhà lãnh đạo mới có thể cảm nhận
chính xác và điều chỉnh hành vi, chính sách cũng như các chiến
lược của họ.
Vì có những điều chưa biết, nên chúng ta phải can đảm mới có
thể cởi mở và thẳng thắn với một nhà lãnh đạo trong khi xây dựng
mối quan hệ.
• Nhà lãnh đạo này sẵn sàng cởi mở đến đâu?