Giúp trị lẽ nào dung đặng gã,
Trừ loàn rồi có kể chi ngươi.
Còn gì thâm thúy hơn mấy lời trên ? Từ xưa đến nay, đã biết bao nhiêu
cái gương vua chúa trọng vọng hiền tài lúc loạn, khi nhờ đó mà bình trị
được, yên rồi thì hiền tài cũng bị giết luôn. Câu than của Hàn Tín muôn đời
hãy còn văng vẳng : « Giảo thố tử tẩu cẩu phanh ; cao điểu tận lương cung
tàn, định quốc phá mưu thần vong ». Muông thú hết rồi thì chó săn cũng bị
mổ làm thịt ; chim cao đã bắn sạch, cung tốt cũng bị cất đi ; nước địch đã
phá được, mưu thần rồi cũng mất mạng !
Chúng ta đã biết 10 bài Tự thuật của Tôn Thọ Tường và bài họa của
Bùi Hữu Nghĩa (chỉ họa bài 1) và 10 bài họa của cụ Cử Trị, thiết tưởng
không thể không biết qua một đôi bài họa của Lê Quang Chiểu, để thêm
đậm cảm tình với vị Cai tổng có tâm hồn cao đẹp :
I
Rèn lòng đinh sắt hãy còn đây,
Nín mẫn cho qua cái hội nầy.
Hạc lộn bầy gà thương nỗi kẻ,
Chồn mang lốt cọp gớm cho bây.
Lỡ duyên cá nước toan chờ vận,
Gặp lúc rồng mây há chẳng ngày.
Sớm tính che phên ngừa gió cả,
Cột rường chống chỏi sẽ lung lay.
Qua tinh thần bài thơ trên đây, chúng ta sẽ cảm mến kính phục tấm
lòng sắt thép của cụ, đã dứt khoát tư tưởng, bất hợp tác với kẻ xâm lăng
cướp nước, lui về cố quán với nỗi niềm uất hận, không muốn nhìn thấy
cảnh nước mất nhà tan.
Theo sự tra cứu của chúng tôi, cụ có làm tất cả 10 bài ai oán, phẫn nộ,
bất bình, nhưng tiếc rằng không thể đăng hết, chỉ lược qua một bài đầu để