khác nào ngày nay nơi nào có thầy giáo, có trường học thì mọi điều văn vẻ
hẳn có tốt đẹp hơn các nơi khác.
Chọn địa điểm xóm Bà Đồ làm nơi thành lập Tao đàn, các cụ đã đem
thinh danh tô điểm cho xóm nầy trở thành bất hủ, và chứng tỏ cho các thế
hệ sau biết rằng khi xưa nơi Bình Thủy từng có một xóm cực kỳ thanh tú
văn nhã. Nhất là ngôi sao cụ Thủ khoa Nghĩa ngự trị vòm trời Bình Thủy
Long Tuyền lúc bấy giờ, lôi cuốn biết bao ngôi văn tinh khác hướng theo.
Rồi thì tao nhân mặc khách dập dìu, sắc thái xóm Bà Đồ biết bao xinh đẹp,
đẹp một cái đẹp tinh thần chói chang.
Bao nhiêu văn thơ các cụ nơi miền Tây truyền tụng, biết đâu một phần
lớn chẳng do từ chốn Tao Đàn, từ xóm bà Đồ mà ra. Một bổn tuồng « Kim
thạch kỳ duyên » của cụ Thủ khoa Nghĩa, tương truyền có sự góp tay điểm
xuyến của cụ tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt, chắc cả hai cụ cũng từng lấy chốn
Tao đàn ấy làm nơi hội thảo, trao đổi quan điểm, cùng nhau sửa chữa bên
chung trà chén rượu, vui sướng hể hả. Và biết đâu khi ấy cũng có lắm bông
hoa biết nói, đua tài nhả ngọc phun châu, hoặc câu ca tiếng hát trợ nguồn
cảm hứng cho các cụ.
Cứ xem như ngày nay thế hệ trẻ vẫn còn biết nếm thú vị văn chương,
họp nhau lập thi văn đoàn chẳng biết cơ man nào mà kể, thì khi xưa chả lẽ
các cụ lại thiếu phong độ ấy sao ?
Điều có thể quả quyết, khi xưa Hà Tiên có « Chiêu anh Các », Gia
Định có « Bình dương thi xã », « Bạch mai thi xã » lừng danh thì Tao đàn
của các cụ văn hào miền Tây nơi xóm Bà Đồ tưởng cũng nên nhắc đến phần
nào. Chính các vị cao niên ở Bình Thủy hiện giờ đã nhắc cho chúng tôi
được biết về xóm Bà Đồ ấy, và hầu hết các bô lão vẫn còn nhớ, khiến chúng
tôi cảm thấy có bổn phận phải ghi lại đây một di tích tốt đẹp đáng kể.
Tiếc rằng nơi đây hiện giờ là chỗ cơ quan quân sự phi trường nên
chúng tôi không thể lấy ảnh được chỉ phát họa cảnh trí tượng trưng với chút