niềm hoài cổ.
XƯỞNG ĐÚC TIỀN CỦA NAM TRIỀU Ở MIỀN TÂY
Gần đây, đồng bào Cần Thơ thỉnh thoảng được nghe thấy một số đông
người vớt được vô số tiền điếu thời Gia Long, Minh Mạng ở sông Cần Thơ.
Người ta đã tìm thấy cả xác ghe chìm, mà bên trong chứa chất toàn những
đồng tiền điếu nêu rõ mấy chữ « Gia Long thông bảo », « Minh Mạng thông
bảo ».
Ghe nào chở tiền như thế ? Từ đâu đến và có nguyên do ra sao ?.
Dựa vào bộ « Đại Nam nhất thống chí » chúng tôi thấy có đoạn nầy rất
đáng chú ý, nói về « Sông Tiền Trường » và « Xưởng cũ Tiền Trường » :
« Sông Tiền Trường ở Đông nam huyện Đông Xuyên (nay là Long
Xuyên) 90 dặm, bờ phía Đông Hậu Giang, rộng 1 trượng, sâu 5 thước.
Nguyên trước có xưởng tiền Ba Thắc ở đấy nên gọi là Tiền Trường. Chi
phía Nam chảy hơn 1 dặm thông với sông Qua Giang, tục gọi Cái Bí rồi
chảy ra Đại Giang. Chi phía Đông chảy hơn 1 dặm rồi hiệp lưu với sông
Cường Thành ».
Và : « Xưởng cũ Tiền Trường ở phía Đông sông Hậu Giang thuộc
huyện Đông Xuyên (Long Xuyên) : nguyên trước là xưởng đúc tiền Ba
Thắc của nhà nước. Nay đã bỏ ».
Xem thế, chúng ta nhận thấy rằng khi xưa ở miền Tây có xưởng đúc
tiền gọi là « Tiền Trường » ; do triều đình tổ chức. Cố nhiên ngoài xưởng
đúc tiền ở miền Tây nầy, còn đôi ba chỗ khác trên lãnh thổ quốc gia.
Hẳn là những khi đúc xong, đủ số theo chỉ thị của cấp trên, ắt là phải lo
việc chở chuyên nạp vào kho ở rải rác nhiều nơi. Phải chăng khi chở ngang
địa phận Cần Thơ, đã có lúc chìm thuyền, mà xác còn lưu dấu vết đến nay ?