Thủ sở đạo Trấn Giang. Bắt đầu từ phía Nam Đại Giang chảy xuống, thông
sông Bồn, rồi do cửa sông ấy chảy qua đà Sưu, đà Răng, cách 13 dặm đến
ngã ba Ba Láng. Chi phía Bắc chảy qua Đông 12 dặm thông với sông Bình
Thủy. Lại một chi nữa cũng do phía Bắc chuyển về hướng Đông 45 dặm
chảy ra cảng khẩu đạo Kiên Giang, tục gọi là cửa Bé. Cuối đông qua xuân,
nước khô bùn cứng, ghe thuyền không qua được ; từ mùa hạ qua đông nước
mưa tràn bờ, thì ghe thuyền cỡi lên trên cỏ và bèo mà đi, cứ trông theo phía
tả hay phía hữu rừng cây mà nhận dấu đường. Nơi đây không có bóng
người, có rất nhiều muỗi và đỉa, người qua lại rất khổ sở ».
Ở một đoạn khác, nói về con sông Hậu (Hậu Giang), người xưa ghi
chép :
…Nước theo từ sông Châu Đốc tỉnh An Giang chảy đến phía Bắc
huyện Đông Xuyên (tức Long Xuyên ngày nay) rồi đến ngòi Trà Ôn, làm
giới hạn cho tỉnh An Giang và tỉnh Vĩnh Long. Đến đây chuyển qua hướng
Nam (bờ phía Tây làm giới hạn tỉnh An Giang, bờ phía Đông làm giới hạn
tỉnh Vĩnh Long) đến đạo Trấn Di chảy ra cửa biển Ba-thắc. « Sông nầy rưới
khắp ruộng nương, bao hàm gò bến, là một nguồn lợi thủy quốc vậy ».
Con sông Cần Thơ và Hậu Giang ngày xưa mặc dầu chưa thuận tiện
mấy về mặt giao thông, thế mà đã là một nguồn lợi to tát, đủ rõ người xưa
đã rất chú ý mở mang đường thủy đồng thời với sự giao thông đường bộ.
Do đó, nền kinh tế miền Tây lúc bấy giờ khá thịnh vượng.
Bởi con sông Hậu Giang như mạch máu của miền Tây, tiện ích cho dân
chúng vô cùng, nên khoảng Minh Mạng thứ 17 (Bính Thân 1836), nhà vua
cho đúc 9 cái đỉnh, có chạm hình sông Hậu Giang vào Huyền đỉnh và năm
Tự Đức thứ III (Canh Tuất 1850) có ghi vào tự điển
. 9 cái đỉnh nầy hiện
nay để trước sân nhà thái miếu thành nội Huế. Quí du khách có dịp đi viếng
cố đô vô đến hoàng thành sẽ thấy những kỷ vật nầy trơ gan cùng tuế
nguyệt, ghi lại bước đường bôn tẩu của nhà vua.