Tin xấu đó khiến vua sững người hồi lâu. Ông bóp bóp trán rồi sai
Thuyết thảo tờ mật dụ. Lĩnh hội ý vua, tờ dụ có đoạn: "Viêm, Phúc sau khi
thắng, đã lâu không thừa thế đánh tiếp, để Pháp có thời giờ xin cứu viện.
Vậy thì bao giờ mới phá được sào huyệt, đánh đắm được tàu, đuổi giặc
chạy xa, lấy lại hai tỉnh. Nay đã vào thế cưỡi hổ, ta không đánh chúng,
chúng cũng đánh ta, tính trước được thì thắng... Trẫm hàng ngày mong mỏi,
các ngươi nên hết lòng tính ngay mới được".
Vua nghe Thuyết đọc lại rồi duyệt y tờ dụ. Ông bảo Thuyết:
- Tư cho quân thứ Bắc Ninh và các tỉnh biết để cùng ra sức. Tư cho
Khâm sai ở Trung Quốc, Khâm phái ở Quảng Tây, nói khéo với Lý Hồng
Chương và Tổng đốc Lưỡng Quảng phối hợp trù tính ngay, để khỏi sinh
khó khăn.
Thuyết ghi nhanh ý vua vào cuốn thủ sách. Nhân lúc vua có quyết tâm
đánh giặc, Thuyết khẩn thiết nhắc lại điều mình mấy lần đề xuất:
- Xin bệ hạ cho dụ sĩ dân toàn quốc nổi dậy, nhất tề hiệp lực với Bắc
Kỳ lúc này...
Vua nhắm mắt lại, nửa như không muốn nghe nửa như ngẫm nghĩ. Hồi
lâu, ông nói:
- Sức có hạn, hãy dồn vào tính chuyện Bắc Kỳ.
Thuyết nhìn vua dò xét. Đây không phải lần đầu vua căm giận và
muốn đánh giặc. Hồi Pháp đánh bán đảo Sơn Trà cũng như đánh miền
Đông Nam Kỳ, vua cũng căm giận và hạ lệnh đánh giặc. Nhưng đang đánh
thì vua lại nghĩ chuyện bàn hòa. Người Pháp khôn khéo dần dần đưa vua
vào mưu thuật của họ. Bên vua lại có những kẻ sợ giặc, làm cho vua mềm
lòng nhụt chí, chịu nhận những điều hòa giải bất lợi... Dù sao thì lúc này
vua lại căm giận và đốc thúc đánh giặc, dẫu chỉ cho đánh từng vùng, từng