Cậu có đôi mắt sáng và gương mặt chữ dụng như quan chủ. Sao có cậu bé
hầu quan mà lại giống quan như thế, Phúc nghĩ mà không tiện hỏi.
Món nhắm chỉ có mấy con mực khô nướng thơm, một chùm vải quả,
dăm quả ớt trứng bống. Khi chủ khách nâng chén, cậu bé không lui xuống
bếp mà vào tư thất của quan.
Thấy khách nhìn theo cậu bé, Quang Bích nói:
- Đấy là con lớn của tôi, cháu Quang Đoan. Được tin tôi về đây làm
việc, gần quê, cháu lên thăm.
Vĩnh Phúc từng nghe Quang Bích quê ở vùng huyện mới Tiền Hải,
ven biển Đông. Nhưng sao cậu ấm con quan hàng tỉnh lại áo vải, chân đất
như thế. Phúc từng thấy con các viên châu, phủ vùng này mặc áo the, quần
lụa... Nhưng Phúc hiểu ra ngay. Quan chủ có tiếng thanh liêm, đồng lương
vua cho, quan chỉ đủ nuôi mình.
Quang Bích hỏi về trận đuổi giặc ở Cao Bằng, rồi nói cho Phúc biết:
Thống đốc Viêm và Tham tán Thuyết đều khen sự phối chiến kịp thời và
nhiều hiệu lực của Lưu Đoàn. Từ chuyện đánh giặc Khách, ông chuyển
sang giặc Pháp:
- Nay ngài là Phòng ngự sứ của nước Nam, ngài cần biết một phần ba
đất nước đã bị Pháp lấn chiếm. Vào năm Mậu Ngọ (1858), họ khởi đầu
chiếm bán đảo Sơn Trà. Năm sau, họ đánh thành Gia Định. Quân ta giao
chiến nhưng vũ khí kém nên bị họ đẩy lui. Triều đình ta thì kẻ chủ hòa,
người chủ chiến, vua không biết khu xử thế nào. Dân chúng thì kình địch
nhau giữa lương và giáo. Một số người, cả quan lẫn dân ngầm giúp Pháp để
cầu lợi riêng. Trong tình thế ấy, Pháp đưa ra một dự thảo điều ước có lợi
cho họ và ép ta phải nhận. Triều đình không nhận, cử Thống đốc Nguyễn
Tri Phương vào Nam Kỳ. Ông chủ mưu đánh giặc để giữ đất.