Cao, khi bị bắt còn giữ trong mình tờ sớ gửi Hàm Nghi. Bị tra khảo, Cao
không khai báo, lại còn mạt sát quan thẩm vấn...
Sự thể ở Bắc Kỳ là thượng du, trung du, quân Pháp còn phải tốn công
đánh dẹp. Trung châu đôi chỗ tạm yên nhưng tướng giặc vẫn còn trốn, còn
phải truy bắt. Quan quân Pháp đang dùng lính tập, ngày càng nhiều để tiến
đánh. Kinh lược sứ luôn cử phái viên đi theo quân để chiêu an dân chúng.
Xem xong tờ tâu, Đồng Khánh bảo Hữu Độ:
- Khanh xem phải làm những gì về Bắc Kỳ thì tâu lên.
Tỏ ra thông thạo tình hình, Hữu Độ tâu:
- Ngoài ấy, việc đánh dẹp do quan Pháp lo liệu là chính. Nhưng quan
ta cũng có người đắc dụng, như Hoàng Cao Khải, Cao Xuân Dục, điều
quân vào trận có công, xin vua tặng thưởng. Còn viên Linh mục Trần Lục,
giáo dân gọi là cha Sáu, ở nhà đạo Phát Diệm, lâu nay hiến mưu hiến kế
khá nhiều, là người am hiểu công việc, xin phong cho làm Tham tri bộ Lễ,
Tuyên phủ sứ, để khích lệ. Đồng Khánh gật đầu chuẩn y.
Vào lúc đó có một tin hệ trọng báo về: "Toàn quyền Bônbi qua đời, do
làm việc nhiều, thủy thổ khí hậu không hợp. Nghi lễ điếu phúng đã được cử
hành trọng thể". Hữu Độ tâu vua:
- Như các quan Pháp ở Bắc Kỳ gợi ý, theo phong tục phương Tây,
danh nhân qua đời được dựng tượng kỷ niệm. Nay Bôn sang nước ta công
cán tuy mới được bảy tám tháng, song thiết tưởng cũng nên cho dựng
tượng để tưởng lệ người đã khuất; cũng là để khích lệ người kế nhiệm. Ở
Hà Nội có phường Ngũ Xã đúc tượng đồng. Xin vua cho các quan quyên
góp để làm.
Đồng Khánh ngẫm nghĩ rồi nói: