Những người khác đang lo vua thiên về hòa đàm, lúc này thấy vua cho
kết hợp đánh với đàm, là phương sách trung dung thì không bàn thêm, bởi
có bàn thêm cũng khó.
Biết các quan chưa có cao kiến gì, vua truyền:
- Ta cho Trần Đình Túc ra làm Tổng đốc Hà Nội kiêm Chánh sứ,
thương lượng với đại diện của Pháp ở Hà Nội. Phải tỏ cho kẻ ấy biết ta đủ
sức đánh, nhưng ta tôn trọng điều ước Nhâm Tuất (1862), muốn giữ hòa
hảo Pháp - Nam. Nay họ cần có một tờ ước mới thì ta đáp ứng. Nhưng họ
phải trả lại năm tỉnh Bắc Kỳ cho ta.
- Dạ! Thần xin phụng mệnh - Đình Túc khẽ khàng nói.
- Đồng thời - vua tiếp - cần có công thư cho Phú Súy ở Nam Kỳ biết ý
định của ta như vậy, để họ truyền báo với nhau, Lại phải tư cho Lê Tuấn, sứ
thần ta tại Gia Định, khéo léo giảng giải; khiến Phú Súy bảo Gácnhê trả các
tỉnh thành cho ta, để tiện làm tờ ước mới.
Tiễn Thành cúi đầu: "Dạ!"
Vua tiếp:
- Cử những viên quan quê quán Hà Nội, là người quen đất, quen việc,
ra đó công cán, đặng góp phần thực hiện chủ kiến của ta. Như Phủ doãn
Nguyễn Trọng Hợp, Tham tán Bùi Ân Niên...
- Dạ!
- ... Bộ Binh cần điều đốc tướng sĩ từ kinh đô và Hà Tĩnh, Nghệ An ra
án ngự tại mấy tỉnh tiếp giáp Bắc Kỳ. Thăng chức Tiết chế quân vụ Bắc Kỳ
cho Hoàng Tá Viêm, với trọng trách không để quân Pháp kéo lên các vùng
trung du, thượng du.