giặc, như các viên Tổng đốc ngụy ở Hải Dương, Tri phủ ngụy ở Hoài
Đức... Thám tử cho hay sau khi chiếm Hà Nội, Đuypi muốn lên Sơn Tây
đánh quân triều đình. Nhưng Gácnhê nghe lời cố Phước (Puyginhê) xuống
đánh vùng trung châu, vì những tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên có
sự tiếp ứng của giáo sĩ, giáo dân.
Thuyết đồng ý với xét đoán của Viêm, ông nói:
- Đê vỡ nhanh do mối đục khoét bên trong. Nước có thể mất do những
kẻ phá hoại từ nội bộ.
Rồi ông đề xuất những việc sắp làm:
- Thưa ngài Tiết chế, tin từ chỗ Chánh sứ Trần Đình Túc (Hà Nội) đưa
ra cho biết: việc đàm phán chưa đi tới đâu. Phía Pháp cậy thế thắng buộc ta
phải triệt bãi quân đội, phải để cho họ làm chủ sông Nhị, thông thương với
miền Nam Trung Hoa, và nhiều điều vô lý khác. Như vậy sớm muộn ta
cũng phải đánh giặc. Phải đánh để Pháp thấy không bắt nạt được ta, thì họ
mới chịu đàm phán đứng đắn.
- Có điều đáng ngại là nhiều người trông mong đàm phán để Pháp rút
quân.
- Vâng, có điều đáng ngại ấy, ở trong văn võ quan viên, ở cả trong
binh sĩ và dân chúng. Nhưng cũng có nhiều người không tin. Người ta thấy
Pháp đến ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, rồi đến ba tỉnh miền Tây và ở lỳ lại
đó. Pháp đàm phán là để có lợi cho họ. Vì vậy tin tức các tỉnh trung châu
cho hay: nhiều sĩ phu, hào mục đã chiêu mộ dân dũng, chờ lệnh đánh giặc.
Họ đang xem quân triều đình động tĩnh thế nào?
Đang lúc hai vị thượng quan bàn bạc thì viên thư lại vào báo tin:
"Tổng đốc Nguyễn Tri Phương bị Pháp bắt giam, vết thương ở bụng ngày
càng nặng; ông lại tuyệt thực tới mức nguy kịch".