nghị anh em thảo luận, bổ sung, nhằm đi tới một nghị quyết chính thức.
Việc đầu tiên thảo luận là đề án theo chủ nghĩa dân chủ. Số anh em
Nam Kỳ lâu nay vẫn tán thành chủ nghĩa quân chủ, đưa ra lý lẽ phản bác:
T.ruyện được .dịch. tại iREAD..vn
- Từ khi Pháp xâm lược nước Nam, các văn thân, sĩ phu đều một lòng
Cần Vương báo quốc. Nhiều người đã bỏ mình hoặc bị tù đày vì đại nghĩa.
Uy tín của các vị ấy còn để lại trong tâm tưởng các thế hệ đương thời, ta
không dễ gạt bỏ mà đi theo chủ nghĩa khác.
Số anh em Trung Kỳ, Bắc Kỳ tranh luận:
- Nhìn lại cuộc xâm lược của Pháp, vua quan nhà Nguyễn luôn luôn
cầu hòa với mục đích giữ mình hơn giữ nước. Có những vị kiên quyết
chống giặc như Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết... Có những người tận tâm báo
quốc như Hoàng Diệu, Nguyễn Quang Bích... có những vị chiến đấu đến
cùng như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám... Nhưng xét chung triều
đình nhà Nguyễn - chế độ quân chủ không giữ được nước. Nhìn sang lân
bang, chủ nghĩa quân chủ của nhà Thanh cũng liên tiếp bị các nước phương
Tây lấn át, phải lùi bước. Nó đã bị những người theo chủ nghĩa dân chủ
đánh đổ... Ta cần nhìn lại cho thật khách quan, để chọn lấy một chủ nghĩa
tân tiến, hợp thời thế.
Hoàng thân Cường Để toan chỉ dành cho anh em Nam Kỳ tranh luận.
Nhưng trước lý lẽ hùng hồn của anh em Trung và Bắc, ông thấy mình cần
biện thuyết:
- Nước ta từ thời Lý, Trần, Lê... chưa gọi là chủ nghĩa gì gì, nhưng các
triều vua đã giữ vững nền tự chủ cho nước Đại Việt, đã để lại bao nhiêu
công đức "quang ư tiền, thùy ư hậu", chứ đâu phải nhờ chủ nghĩa dân chủ,
du nhập ngoại lai... - Ông càng nói càng hăng hái, nhằm giành phần thắng,
cuốn hút anh em ngả theo ý mình, có đôi ý tứ, lời lẽ thiếu cân nhắc.