ông viết những điều có ích cho dân tộc, đồng bào. Ông mở lớp dạy vài ba
chục học sinh, con em những đồng chí đã hi sinh; những cháu quá nghèo
thì ông nuôi dưỡng. Lúc đầu được đồng bào giúp đỡ, ông cùng học trò sống
tạm đủ với cơm tẻ, canh rau. Sau nguồn giúp cạn dần, ông chỉ còn nuôi
được ba bốn cháu nhỏ. Ông dạy chúng về hợp quần, ái quốc, hiếu với ông
bà, cha mẹ, thương yêu bầu bạn, anh em... Ông viết sách "Nam quốc dân tu
tri; nữ quốc dân tu tri" (Những điều nam nữ quốc dân cần học). Ông viết
văn vần ca ngợi các anh hùng dân tộc: Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lê
Lợi, Quang Trung... Ông viết văn tế, câu đối, ca tụng những người yêu
nước quên mình.
Năm 1927, được tin cụ Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền, người bạn
và người thầy của mình qua đời ở một ngôi chùa bên Hàng Châu (Trung
Quốc), Bội Châu viết bài văn tế, có nhưng câu thấm nước mắt: "Vận Tổ
quốc rủi gặp hồi truân bĩ, nghiệp trùng hưng mong mỏi xoay trời / Nợ đình
vi vừa nhẹ gánh thần hôn, đường muôn dặm vội vàng dắt bạn /...Lửa can
tịnh thiêu xương người khí tiết, sống thanh cao mà chết cũng thanh cao /
Đời văn minh mỏi mắt chốn quê hương, danh viên mãn nhưng chí chưa
viên mãn /...Em Châu này: đầu xanh lửa lấn, vừa bạn vừa thầy / Tóc bạc
theo đòi, đồng ưu đồng hoạn / Nhớ những bên đèn, trước án, gà năm canh
chung tiếng lúc hôm mai / Nỡ nào kẻ ở người về, hạc nghìn tuổi đau lòng
phen tụ tán /...Hồn hỡi, chứng cho, mấy lời đơn giản!".