nhà đã loang thành vũng nước. Khiết Anh ngồi yên trên giường, từng đợt
mưa mù mịt tạt vào mặt, vào người chàng đẫm ướt. Có lẽ chàng đành bó
tay không đóng cửa được. Tôi chẳng kể gì nữa, đẩy cửa chạy nhanh đến
bên cửa sổ, mưa hắt vào mặt buốt như kim châm, ráng sức chống lại chiều
gió để kéo cánh cửa khép kín, người cũng bị ướt hết, vừa mới quay lại là đã
nhận ngay tiếng thét của chàng:
- Lại là cô nữa à?... Cô vẫn còn ở lì đây sao? Ai cho phép cô vào đây? Cô
tưởng mình tôi không đóng nổi cửa hả?
Tôi quá buồn không muốn trả lời những câu hỏi vô lý của chàng nữa; im
lặng đi tìm bộ quần áo khô đặt lên đầu giường. Sách vở ở trên bàn đã ướt
sũng, có lẽ cần phải hong khô. Tôi ôm chồng sách đi thẳng ra khỏi phòng.
Khiết Anh giận dữ:
- Tôi cấm cô không được ló mặt vào phòng tôi! Nếu cãi lời thì chớ trách!
Hôm sau bà Lâm mang thức ăn lên phòng, trở xuống bà phàn nàn:
- Cậu Khiết Anh bị sốt, người nóng lắm! Tôi lấy thuốc đưa cho cậu ấy, cậu
ấy đã không uống lại còn chửi mắng bảo tôi lắm chuyện.
Chắc chàng không chịu thay áo nên mới nóng lạnh trúng cảm. Cơm trưa
Khiết Anh cũng chẳng ngó tới, tôi thấp thỏm lo cho bệnh tình của chàng.
Mấy lần tôi định vào phòng nhưng lại chùn bước, thái độ chàng sẽ ra sao?
Khi thấy tôi cứ mãi quấy rầu. Không biết làm sao vào thăm chàng mà
chàng đừng nổi giận, tôi buồn chán đi xuống đi lên lòng nóng như lửa.
Buổi chiều khi tôi đang phụ bà Lâm ở trong bếp thì có tiếng Dạ Tú gọi rối
rít:
- Bà Lâm ơi! Bà ra mở cửa cho anh Hạo Bình!
Bà Lâm ứng tiếng và vội vàng chùi tay vào khăn chạy đi. Chiều nay Lương
Hạo Bình lại đến nghe Dạ Tú đàn, Tú đàn piano rất khá, còn Hạo Bình
thuộc loại biết thưởng ngoạn. Tôi đã từng chứng kiến cảnh đầm ấm của họ
ở phòng khách giữa tiếng nhạc reo vui. Hèn chi hôm nay cứ thấy Dạ Tú
lăng xăng mãi bên bình hoa mới được cắm đầy công phu trên bàn dương
cầm. Cười nhẹ một mình tôi lấy chiếc muỗng to khuấy trong nồi súp thơm
phức vừa sôi trên bếp. Múc súp xong tôi phải tự mình mang lên cho chàng
vì chờ mãi không thấy bà Lâm đâu, chắc bà đang bận.