… đoạn này, Ngọc Hân viết về tình cảm, luyến ái giữa hai người, Toản
không cho đọc… Trong những ngày tiến đánh Gia Định, ta đã gặp một
người tên là Bá Đa Lộc. Ông ta là một giáo sĩ người Phú Lang Sa. Ông ta
nói trong đời mình, ông ta chỉ thờ phụng một người duy nhất tên là Jesus,
ta cũng không biết đó là ai. Điều này là không thể chấp nhận được, ta
không thích. Tuy vậy, có một điều ở ông ta làm ta không thể không phục.
Ông ta nói rất sành tiếng ta. Ông ta cùng những người trong hội của mình
lưu truyền một thứ chữ viết gọi là Quốc ngữ. Đây là một loại chữ viết rất dễ
học và dễ dùng. Nó rất khác chữ Hán. Nghe đâu là do một người tên là Đắc
Lộ soạn ra.
Ta nhận thấy nước Nam từ nghìn năm trước đã bị người phương Bắc áp
chế. Ngay cả chữ viết cũng phải dùng của họ. Ta trăn trở nhiều đêm cuối
cùng quyết định giao cho Thiếp nghiên cứu đặng sau này truyền bá trong
dân. Ta muốn biến nó thành chữ viết của dân tộc ta, xứng danh chữ Quốc
ngữ. Nước ta chỉ trở thành một Quốc gia thực sự khi có một loại chữ viết
cho riêng mình.
… đoạn này còn viết thêm… Để truyền bá loại chữ này, cách tốt nhất là
để những người làm ra nó dạy cho dân ta. Bởi vậy nên cần phải bãi bỏ lệnh
cấm đạo của họ. Phải cho họ một ít quyền lợi nho nhỏ thì họ sẽ hết lòng
làm cho ta. Đây là đạo dùng người. Cái chính là phải đưa họ vào khuôn
phép, phải làm cho dân ta không được quên gốc gác của mình. Còn lại, ai
muốn tin thì cứ tin, ai muốn theo thì cứ theo.
… Đến lúc này, La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp bước ra khỏi hàng, xác
nhận lại việc này, đồng thời nói ra những sự hiểu biết của mình. Ông còn
minh chứng sự thuận tiện bằng cách viết ra một dòng chữ Hán và một dòng
chữ Quốc ngữ có nội dung như nhau cùng cách đọc sơ bộ. Bá quan cứ thế
mà tấm tắt khen hay. Việc truyền bá chữ Quốc ngữ từ đó cũng dễ dàng hơn
nhiều.