Chuyện là thế này. Còn nhớ lúc Nguyễn Thiếp vâng mệnh nhận nhiệm
vụ thuyết phục bá quan, ông có xin Toản ban một đạo Thánh chỉ. Đang lúc
Toản còn băn khoăn không biết phải viết chiếu thư với nội dung thế nào thì
được Lê Thái hậu cho mời. Toản rất thích người phụ nữ đẹp người đẹp nết
này nên thuận miệng nói ra nỗi khổ của mình.
- Có gì mà khó? – Bà nói – Con sợ Thánh chỉ mình viết ra không có sức
thuyết phục thì nhờ Tiên đế.
- Ý dì là cha con? Nhưng cha mất đã lâu rồi. Sao mà nhờ cha được?
Không lẽ nói với bá quan là đêm qua cha về báo mộng à?
- Ta không có ý này. Điều ta nói là một bức di thư.
- Ý dì là… – Toản lờ mờ hiểu ra – giả truyền Thánh chỉ à? Không được
đâu.
- Có gì mà không được? Chữ viết của cha con, ta còn lạ gì, lại còn thành
thạo nữa là khác. Hơn nữa, ta nhớ đúng là trước đây Ngài có nói với ta về
nỗi ưu tư này.
Dừng một lúc, bà lại nói:
- Bức di thư, dì sẽ giúp con. Nếu có người phát hiện, bất quá thì ta nhận.
Con là Hoàng đế, lẽ nào không giúp ta “chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ
như không có” hay sao?
- Vậy thì nhọc lòng dì rồi. Dì dạy sao, con nghe vậy.
Sáng hôm sau, trong lúc thượng triều, Toản lấy ra một cuộn giấy. Cậu
bảo là trong một lúc nhớ thương chồng, Lê Thái hậu tìm thấy cuộn giấy này
trong đống di vật vua Quang Trung để lại.
Phú Xuân, ngày 20 tháng 6, Gửi Ngọc Hân, vợ ta.