giữa buổi thượng triều hôm đó. Có ý kiến nói áo dài nam bộ thì đẹp, áo bà
ba thì gọn ghẽ, thuận tiện thật, nhưng trông chúng… hở hang quá. Nghìn
năm qua, dân tộc Việt đã thấm nhuần tư tưởng Khổng Mạnh. Với họ, người
phụ nữ chỉ đẹp khi e ấp trong những bộ trang phục “kín cổng cao tường”.
Trong khi đó, hai loại trang phục mới lại mỏng manh quá, lại nửa kín, nữa
hở, trông “khó coi” vô cùng. Trong nhóm ủng hộ, có lẽ cảm thấy thích thú
nhất vẫn là giới nữ, đặc biệt là Ngũ Phụng Thư. Dù sao họ cũng được gọi là
phái đẹp mà. Kết thúc cuộc tranh cãi là một quyết định: Nữ giới phải mặc
thêm một tầng áo lụa mỏng bên trong.
- Ơ… Dì cũng ở đây à? – Toản hỏi Lê Ngọc Hân – Con tính sẽ qua thăm
dì sau khi vấn an mẹ.
- À… Có gì đâu. Chẳng qua hai đứa bé cứ nằng nặc đòi qua đây. Chúng
nói, “qua đây thể nào cũng gặp Bệ hạ cùng tiểu Thái”.
- Mẹ cũng thấy bất ngờ khi dì con tới. – Bùi Thái hậu lên tiếng – Lẽ ra
mẹ mới phải là người đi vấn an Bắc cung trước. Thế mà, con xem, vừa
bước ra thì đã thấy hai đứa nhỏ này.
- Mình là chị em. Cần gì phải phân trước sau. Em thấy đó, mấy anh em
chúng nó – Ý bà chỉ ba anh em lớn nhà Tây Sơn – cũng quấn quít nhau, lại
bày ra mấy cái trò quái quỷ. Chị em mình là người lớn, lẽ nào lại không
được như đám trẻ sao? Lại nữa, em còn là một đấng anh thư, em không chê
mấy cái lễ nghi này thật phức tạp sao?
Quả thật, Lê Thái hậu là một người phụ nữ rất tiến bộ và hiểu chuyện.
Sinh ra trong Hoàng tộc họ Lê, bà được thừa hưởng một nền giáo dục khắt
khe đôi lúc thái quá. Giờ đây, trong thời đại mới, nhất là với những sự cải
tổ theo hướng tự do, thoải mái hơn, bà là một trong những người ủng hộ
mạnh mẽ nhất. Đặc biệt, bà đã đóng góp một công sức rất lớn vào một
quyết sách cực kỳ quan trọng của Toản: phổ biến chữ Quốc ngữ.