Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần, ông ta có phát hành một loại tiền gọi là tiền
giấy, bãi bỏ tiền xu. Hay là ta cũng làm như thế này?
- Đây cũng không hẳn là ý hay, – Nhiệm nói tiếp, cố bảo vệ quan điểm
của mình. – Ông nên nhớ là tiền giấy tốt thật nhưng lại không được ủng hộ.
Nó dẽ rách và khó dùng nếu bị ướt. Không phải bá tính thời đó cũng tẩy
chay hay sao?
- Trẫm cũng có ý kiến. Các khanh cũng biết người Anh Cát Lợi và Hà
Lan cũng có tiền giấy. Người Anh Cát Lợi có hai loại tiền, một là loại tiền
xu với mệnh giá thấp, một là tiền giấy gọi là đồng Bảng với giá trị cao hơn.
Chúng ta cũng có thể học theo cách này, phát hành cả hai loại tiền như trên.
Thế nhưng, khi áp dụng sẽ có một số thay đổi. Về loại tiền xu, chúng ta có
hai loại, đó là tiền kẽm như hiện nay và một loại tiền có giá trị cao hơn gọi
là hào được làm với bảy phần kẽm và ba phần đồng. Theo đó, một hào sẽ
có giá trị bằng một trăm kẽm, hai loại tiền lớn hiện nay là Quang Trung
Thông bảo và Quang Trung đại bảo sẽ được thu hồi. Về tiền giấy, ta cũng
quy định cho nó một cái tên gọi là đồng với các giá trị một đồng, mười
đồng, hai mươi đồng, năm mươi đồng, năm mươi đồng và một trăm đồng.
Bá tính nếu ít tiền có thể dùng loại tiền xu, nhiều hơn có thể mang theo tiền
giấy tùy mục đích. Các khanh thấy sao?
- Thần thấy đây là ý hay, – Phan Huy Ích nói thêm. – Nhưng, nếu giao
dịch với người Tây phương, tiền giấy của chúng ta sẽ không có giá trị. Họ
sẽ lại đổi ra tiền xu hoặc vàng, cũng có thể là châu báu.
- Trẫm cũng nghĩ đến rồi, – Toản nhìn một lượt bá quan. – Trẫm sẽ giao
cho Bộ Công nghiệp và Thương nghiệp tính toán. Một lượng vàng có thể
làm được bao nhiêu tiền hào và bao nhiêu tiền giấy. Đương nhiên, tiền giấy
cũng phải được làm từ loại giấy tốt, mực tốt, dẻo dai và nhỏ gọn. Như vậy,
khi giao thương với chúng ta, người Tây phương có thể quy vàng ra số
lượng tiền giấy tương ứng.